Áp dụng các biện pháp thi công hiện đại, an toàn
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2020, tại một số khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt giông lốc, sét, mưa đá. Đáng chú ý là dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, các địa phương yêu cầu người dân, chủ sử dụng thực hiện giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão.
Đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; Các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho người dân.
Trước mùa mưa bão năm 2022, các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương rà soát, kiểm tra các công trình xây dựng đang thi công để chủ động ứng phó với thời tiết ngày càng diễn biến bất thường nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Các dự án xây dựng tại Hải Phòng chủ động áp dụng các biện pháp thi công hiện đại, an toàn trong mùa mưa bão
Thời tiết tại Hải Phòng đang là mùa mưa bão với những cơn mưa lớn liên tiếp và nhiều trận bão, áp thấp nhiệt đới.
Đáng lo ngại, trên địa bàn thành phố hiện đang có hàng chục công trình nhà cao tầng đang xây dựng. Trong đó, phần lớn công trường thi công nhà cao tầng nằm sát các tuyến phố đông người, phương tiện qua lại.
Mặc dù chủ đầu tư cam kết các biện pháp bảo đảm an toàn và yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ quy trình, nhưng việc các giàn cẩu, giàn giáo, thang cẩu lớn cao hàng chục mét trong điều kiện mưa bão rất khó lường, cần có biện pháp bảo đảm an toàn đặc thù.
Để bảo đảm an toàn lao động tại các công trường xây dựng, trước mùa mưa bão năm 2022, Sở Xây dựng Hải Phòng đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và nhà thầu chủ động xây dựng phương án thi công an toàn, nhất là trong điều kiện mưa bão.
Nhờ áp dụng các biện pháp thi công hiện đại an toàn, trong 3 năm qua (2019-2021), các dự án thi công nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hải Phòng không xảy ra sự cố tai nạn đáng tiếc.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng cho biết: "Trong mùa mưa bão năm 2022, lãnh đạo sở, các phòng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất các công trường xây dựng.
Khi có mưa bão, thời điểm xảy ra ngập lụt, gió lớn, lãnh đạo sở sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương trực tiếp kiểm tra các công trường, dự án xây dựng lớn, có mật độ xây dựng cao, thi công gần khu dân cư, tuyến phố đông đúc. Khi phát hiện nhà thầu, đơn vị thi công không tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động sẽ yêu cầu dừng thi công và lập biên bản xử phạt theo quy định pháp luật".
Đề phòng các tai nạn lao động
Mùa mưa kéo theo sạt lở đất, ngập nước, địa hình trơn trượt là thời điểm dễ xảy ra tai nạn lao động, đặc biệt tại các công trình xây dựng ở nơi có địa hình đồi núi dốc. Vì vậy, việc thực hiện phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình xây dựng vào mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết.
Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và con người trong mùa mưa bão năm 2022, ngành Xây dựng liên tục đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn người dân và các đơn vị thi công cần nắm rõ nguyên nhân để đề phòng tai nạn và có các phương pháp phòng ngừa theo từng yếu tố nguy hiểm tại công trường xây dựng.
Là một tỉnh có địa bàn núi dốc lại liên tục có các công trình xây dưng thi công tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động cảnh báo và có các phương án phòng chống từ sớm.
Sở Xây dựng cũng đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đang triển khai thi công và đã có hướng dẫn thực hiện phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra ngay tại dự án công trình Showroom Toyota Ngọc Anh Lâm Đồng trong năm 2021
Trong năm 2021, sau một cơn mưa lớn, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình Dự án showroom Toyota Ngọc Anh (địa chỉ số 9, đường 3/4, Phường 3, TP Đà Lạt) ngay trục đường chính ra vào trung tâm thành phố.
Vụ sạt lở làm gãy, đổ hoàn toàn hệ thống thoát nước, đồng thời, gãy đường ống cấp nước sinh hoạt; Trụ điện hạ thế tại vị trí giữa lô đất bị ngã đổ; 2 nhà Container sử dụng làm phòng làm việc của công trường và 6 bó sắt đặt trên vỉa hè đã đổ sập xuống nền đất tầng hầm, 1 phần lề đường 3 tháng 4 cũng bị sạt lở làm ảnh hưởng đến việc lưu thông qua lại trên đoạn đường này suốt một thời gian dài.
Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Đối với các công trình chuẩn bị thi công hoặc đang thi công, phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 107, Luật Xây dựng như có biệt pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháo, áy vận thăng đảm bảo an toàn.
Đối với các công trình đang thi công tầng hầm, phải có biện pháp gia cố đất tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và các công trình lân cận.
Riêng đối với các công trình có sử dụng cần trục tháp, đơn vị thi công và các cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm tra việc kiểm định an toàn; kiểm tra các chi tiết neo, giằng, nối đất; Kiểm tra biện pháp, phương án vận hành, bảng tính toán sự làm việc ổn định của kết cấu trong mùa mưa bão...
Phương Thu - TTTĐ