Doanh thu sụt giảm, nhiều cơ quan báo chí kiến nghị thu phí từ nhà mạng và độc giả ẢNH. THU HẰNG
Đây là ý kiến của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Diễn đàn “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”, tổ chức ngày 11.6.
Suy giảm nguồn thu trầm trọng
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch Covid-19 khiến các cơ quan báo chí giảm nguồn thu trầm trọng. Phần lớn các tòa soạn sụt giảm doanh thu từ 30-50%, thậm chí có nơi giảm tới 60%.
Ông Lợi bày tỏ: “Do giảm nguồn thu, dẫn tới khó khăn, có những cơ quan báo chí không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động ở mức cần thiết. Nhiều nơi không có tiền để trả lương, trả nhuận bút cho phóng viên. Từ khó khăn đó đã nảy sinh các vấn đề tiêu cực như: hoạt động vi phạm luật báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm uy tín của báo chí với xã hội, đánh vào lòng tự trọng của báo chí. Đây là điều rất đau lòng”.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google,... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại, đến mức các báo không còn nguồn thu.
Ông Phúc cho hay: “Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp; số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook... và vì thế, dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.
Thậm chí, có tình trạng "thúc ép" doanh nghiệp quảng cáo, khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh”.
Thu phí người đọc báo online để đảm bảo nguồn thu
Tại diễn đàn, ngoài các kiến nghị giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở các đợt truyền thông, tuyên truyền lớn…nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí còn đề xuất thu tiền nhà mạng và thu tiền đối với người đọc báo online để đa dạng hóa nguồn thu.
Ông Lưu Đình Phúc cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí"
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, kiến nghị: “Nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho bạn đọc báo điện tử. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi mở các đợt truyền thông, tuyên truyền lớn về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi”.
Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, không ít tờ báo trên thế giới như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post (Mỹ), Financial Times, The Economist (Anh)…sớm thành công với mô hình thu phí trên các nền tảng kỹ thuật số, trước khi mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo trực tuyến chậm lại, thậm chí có xu hướng đi xuống trong những năm gần đây.
Là đơn vị báo chí đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện thu phí đọc nội dung trên nền tảng kỹ thuật số, ông Duẩn chia sẻ: “Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến tại Việt Nam hiện nay rất khó, muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực”.
Liên quan đến vấn đề chia sẻ phí, ông Hồ Quang Lợi đồng tình cho rằng, các cơ quan báo chí sản xuất ra tác phẩm báo chí thì có quyền có nguồn thu từ các nhà mạng, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Goolge… Tới đây, cần có chính sách cụ thể hơn nữa để các nhà mạng phải có chính sách chia sẻ nguồn thu với các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, các cơ quan báo chí cũng phải chuyển động, đổi mới, thậm chí phải lột xác thì mới tồn tại được. “Dù có làm biện pháp gì đi nữa mà không cải tiến, không nâng cao chất lượng thì khó có thể tồn tại. Chúng ta phải nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đặc biệt là phải có bản sắc riêng thì mới có nguồn thu. Bên cạnh đó, không ngừng ứng dụng công nghệ truyền thông để nâng cao năng lực truyền thông của các cơ quan báo chí”, ông Lợi nhấn mạnh.
Thu Hằng