Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi chống đối khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn

28/02/2023 14:18

Kinhte&Xahoi Ngày 28/2, Công an TP Hà Nội đã yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường xử lý nghiêm những hành vi chống đối khi yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 1 vụ việc và đang củng cố 1 vụ việc chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý nồng độ cồn.

Theo đó, trong quá trình xử lý khi có biểu hiện chống đối các đơn vị cần tăng cường thêm tổ công tác hỗ trợ, thu thập nhân chứng từ chính những người dân chứng kiến để củng cố hồ sơ xử lý nghiêm sau này. Các đơn vị tiếp nhận cần phối hợp với Viện Kiểm sát cùng cấp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ tố tụng sớm đưa đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ ra xét xử nghiêm minh tạo tính răn đe.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nôi) cho biết thêm, đã yêu cầu cán bộ chiến sĩ các Đội cảnh sát giao thông địa bàn bố trí thêm các tổ tuần tra tăng cường phối hợp cùng các tổ công tác xử lý nồng độ cồn khi có bất kỳ dấu hiệu hành vi chống đối không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Quá trình xử lý bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực.

Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 1 triển khai chuyên đề xử lý nồng độ trên đường Trần Quang Khải tối 27/2

Ghi nhận ca làm việc của tổ công tác chuyên đề xử lý nồng độ của Đội Cảnh sát giao thông số 1 trên đường Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ 19 đến 23 tối 27/2 cho thấy, quá trình xử lý, tổ công tác đã đặt cảnh báo mềm từ xa, phân luồng các phương tiện chạy chậm vào khu vực kiểm ta, vị trí đặt chốt có biển thông báo xử lý nồng độ cồn để lái xe được biết. Khi dừng xe cảnh sát giao thông ra tín hiệu hướng dẫn phương tiện vào vị trí kiểm tra, quá trình dừng đỗ phương tiện đều được ghi hình và ghi lại biển kiểm soát phương tiện trong sổ công tác…

Trong khoảng 2 giờ đầu làm việc, PV ghi nhận có hàng chục lái xe ô tô và xe máy bị kiểm tra nhưng đa số đều chấp hành hiệu lệnh. Quá trình kiểm tra không phân biệt lái xe là nam hay nữ. Chị N.T.M là một người được kiểm tra cho biết, rất đồng tình với việc xử lý nồng độ cồn mạnh tay với cơ chế phạt nặng như hiện nay, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp chống đối lực lượng chức năng như hất cảnh sát giao thông lên nóc capo vừa xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

 
Hàng chục phương tiện đã được dừng kiểm tra nhưng chỉ phát hiện duy nhất 1 trường hợp vi phạm

Đáng chú ý, trong suốt ca trực khi dừng hàng chục phương tiện chỉ phát hiện duy nhất 1 trường hợp vi phạm. Đó là vào khoảng 20h45 cùng ngày, anh Nguyễn Hoàng B (sinh năm 1983 ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển xe ô tô Lexus biển kiểm soát 30H-481.xx đã phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,252 miligram/lít khí thở. Anh B cho biết, vì hôm sau đi công tác nước ngoài nên có ngồi nhậu với bạn bè từ trưa và không nghĩ mình vẫn còn nồng độ cồn. Sau khi được tuyên truyền về tác hại của rượu khi khi lái xe anh B đã vui vẻ ký vào biên biển vi phạm tạm giữ phương tiện và đồng ý với kết quả đo nồng độ cồn của bản thân.

 
Tổ công tác niêm phong, đưa xe vi phạm về nơi tạm giữ

Ngay sau ca trực xuyên đêm xử lý nồng độ cồn, vào rạng sáng ngày 28/2, các tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1 tiếp tục xử lý các chuyên đề đặc thù như chấm dứt tình trạng đi xe ngược chiều từ cổng chợ Long Biên ngược về đường Trần Nhật Duật, xử lý xe khách từ 29 đến 45 chỗ dừng đỗ hàng 2 hàng 3 đón trả khách trong khu vực phố cổ, kiểm tra xử lý xe U oát hoán cải chở khách du lịch, xe xích lô đi thành hàng dài…

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, trong 24h qua, tổ công tác tuần tra của các đội đã phát hiện, xử lý 454 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 164 phương tiện, 179 bộ giấy tờ, tước 82 giấy phép lái xe. Trong đó Tổ công tác 141 phát hiện, xử lý 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 46 phương tiện…

 Thành Long - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kien-quyet-xu-ly-nghiem-nhung-hanh-vi-chong-doi-khi-duoc-yeu-cau-kiem-tra-nong-do-con-218350.html