Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

14/05/2023 09:44

Kinhte&Xahoi Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến, trong tháng 4 vừa qua, đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm (khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng).

Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%), tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.

Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 45 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Các bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao gồm: Bộ Giao thông Vận tải đạt 24,27%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 22,7%, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt 33,66%, Đồng Tháp đạt 40,57%, Hải Phòng đạt 38,28%, Bến Tre đạt 37,8%, Tiền Giang đạt 36,31%, Phú Thọ đạt 33,19%...

Dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang hoàn thiện các hạng mục cuối để khánh thành vào ngày 29/4. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ví dụ điển hình nhất trong giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Đây là một trong những bộ có nhiệm vụ khá lớn, với hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông mỗi năm. Nhưng lại luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân đầu tư công.

Cụ thể, năm 2019, Bộ GTVT giải ngân 26.575/30.134 tỷ đồng (88,2%) trong khi cả nước giải ngân 325.111,43 tỷ đồng (76,75%). Năm 2020, Bộ GTVT giải ngân 35.209/36.122 tỷ đồng (97,5%), cả nước giải ngân 455.031,1 tỷ đồng (81,59%). Còn năm 2021, Bộ GTVT giải ngân 40.300/42.996 tỷ đồng (93,7%), cả nước giải ngân 417.702,1 tỷ đồng (92,34%).

Năm 2022, Bộ GTVT giải ngân được 52.969/55.051 tỉ đồng được giao, đạt 96,2% (tỉ lệ chung của cả nước khoảng 92,7%). Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong năm 2022 được đánh giá là một bước đột phá lớn, được lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá cao.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận thấy rất nhiều điểm tích cực để có thể hoàn thành việc giải ngân cao trong năm 2023. Cụ thể, nhiều dự án lớn sẽ đồng loạt thực hiện và có khối lượng lớn hoàn thành trong năm tới như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và 2, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có sự bứt phá

Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2023 có đặc thù là cơ cấu nguồn vốn rất lớn (hơn 700 nghìn tỷ đồng), nên áp lực giải ngân rất lớn.

Mặc dù Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2023 sớm, nhưng hiện nay vẫn còn một số dự án đang hoàn thiện thủ tục. Lý do là trong gói phục hồi kinh tế, một số dự án phải báo cáo lại UBTVQH phê duyệt xong Chính phủ mới bố trí nguồn vốn trung hạn, trên cơ sở đó, bộ, ngành, địa phương mới có cơ sở để phân bổ vốn.

Bên cạnh đó, một số dự án liên kết vùng hiện vẫn còn đang vướng mắc về thủ tục, vì cơ chế chính sách hiện nay đang vướng ở Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước khi không cho dùng nguồn vốn của cấp này chuyển sang cấp kia, hoặc không cho sử dụng các dự án của Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho các địa phương, trong khi đó, đây đa phần là những dự án lớn…

Trước các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, dự kiến quý II và quý III, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có sự bứt phá. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, những nội dung này đang được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Đặc biệt là vào ngày 14/3/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 235/QĐ-TTg về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đến nay, hoạt động của các Tổ công tác đã đạt những kết quả tích cực, tạo đồng thuận trong xã hội. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến, tháng 4, đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm (khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng).

Trong bối cảnh các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiêu dùng gặp khó thì giải ngân vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ quan trọng cần đẩy mạnh nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng tại các cuộc họp tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 4, một số địa phương, Bộ ngành đang "lên dây cót" tăng tốc giải ngân, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của cả năm.

Thanh Bình - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/kip-thoi-thao-go-vuong-mac-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-d193575.html