Kỹ năng sống sót dưới nước khi bị đắm tàu, thuyền du lịch

27/02/2022 14:51

Kinhte&Xahoi Hầu hết nạn nhân tàu chìm rơi vào trạng thái hoảng loạn và nhiều người chết do bị giẫm đạp. Do đó kỹ năng thoát thân khi tàu sắp chìm là điều quan trọng trong tình huống khẩn cấp này.

Mỗi năm nước ta có rất nhiều ca tai nạn và chết đuối do đắm tàu thuyền, trong đó khách du lịch chiếm số nhiều. Nguyên nhân không chỉ do sự cố tàu thuyền mà còn vì thái độ chủ quan của người lái tàu và chính hành khách.

Sự việc lật, chìm ca nô chở khách du lịch xảy ra tại vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An vào chiều 26/2 khiến 15 người tử vong, 2 người mất tích (trong tổng số 39 người gặp nạn) đang khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm 2 người còn lại.

Sự việc lật, chìm ca nô chở khách du lịch xảy ra tại vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An vào chiều 26/2 khiến 15 người tử vong, 2 người mất tích

Trước tình huống này, các chuyên gia đã trang bị cho người dân một vài kỹ năng sống sót dưới nước nếu chẳng may tàu, thuyền du lịch bị đắm trên sông, biển.

Kiểm tra kỹ trước khi lên tàu, phà

 Trước khi lên tàu, phà, người dân cần kiểm tra trước vị trí của thuyền cứu hộ, áo phao, hướng thoát nạn, tiếp đó cần đọc kỹ các hướng dẫn trên tàu như hướng dẫn sử dụng áo phao, hướng dẫn di chuyển khi gặp tình huống khẩn cấp.

Nếu bạn đi du lịch nước ngoài và không nói chuyện trực tiếp được với nhân viên tàu hãy tìm người có thể cho bạn lời khuyên chính xác trong trường hợp khẩn cấp. Những thông tin này rất quan trọng và cần phải được biết trước khi tàu khởi hành.

Khi tàu có dấu hiệu bị chìm, hãy lắng nghe tín hiệu sơ tán, nhân viên đoàn tàu có thể sử dụng hệ thống loa trên tàu hoặc phát tín hiệu để thông báo với hành khách. Bạn hãy lắng nghe kỹ hướng dẫn của họ.

Giữ bình tĩnh

 Đây là yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sống sót, bởi đa số người dân thường bị cuống và vùng vẫy khi phát hiện tàu chìm. Trong trường hợp này, bạn cần phải bình tĩnh để kiểm soát tình thế. Đối với thuyền lớn, thời gian chìm tàu sẽ khá chậm nên bạn có thời gian để tìm và chuẩn bị các thiết bị cần thiết như bè cứu sinh, phao, lương thực... Hãy mang theo tất cả những thứ cần thiết có thể nhưng quan trọng nhất vẫn là áo phao, phao bơi, ván gỗ nếu có, can nhựa, lương khô...

Tuy nhiên đừng vì “tiếc của” mà mang theo hành lý (trừ những vật dụng nhỏ gọn có thể giúp nổi được) vì nó khiến bạn trở nên cồng kềnh, khó di chuyển.

Trong mọi tình huống, người dân cần giữ bình tĩnh để tìm ra phương án thoát nạn an toàn (Ảnh minh họa)

Luôn giữ áo pháo bên mình

 Mỗi hành khách trên tàu luôn có một chiếc áo phao, nếu không mặc trong suốt chuyến đi thì tối thiểu hãy giữ nó gần sát mình, khi dự cảm tàu có vấn đề lập tức phải mặc ngay.

Hãy bỏ hết những vật nặng xuống thấp hoặc nếu không cần thiết thì ném ra khỏi tàu, tránh để chúng rơi vào người gây thương tích, sau đó bạn di chuyển từ từ về trung tâm chiếc thuyền.

Khi thuyền bị chìm và nước bắt đầu tràn vào, người dân hãy bình tĩnh huy động mọi người dùng các vật dụng có thể để tát nước ra khỏi thuyền, nên quỳ hay ngồi xuống để tát nước. Hành khách nên nhớ nếu có ai đó hoảng loạn mà đứng dậy hoặc vùng vẫy thì thảm họa sẽ đến ngay tức khắc.

Bám vào những vật có thể nổi

 Trong trường hợp tàu bắt đầu chìm, hãy ném tất cả các vật dụng có thể nổi như can nước, miếng xốp, phao… xuống nước. Nếu tàu lớn có phao cứu sinh, hành khách hãy di chuyển theo sự hướng dẫn của những người điều hành tàu, tuyệt đối không được hấp tấp nhảy xuống nước hay tầng dưới; Còn nếu thuyền không có phao cứu sinh, cũng đừng lo lắng, tuy cơ hội sống sót sẽ thấp hơn nhưng hãy quan sát xung quanh tìm các vật thể nổi và nhảy về hướng đó.

Nếu có nhiều xuồng cứu hộ, bạn hãy tìm cách liên kết chúng lại với nhau bằng dây. Đây là cách vô cùng thông minh để đối đầu với những con sóng lớn và tương trợ nhau cũng như dễ dàng phát tín hiệu để tàu cứu hộ nhận ra.

Đặc biệt, hiệu ứng chân không được tạo ra khi con thuyền chìm xuống có thể hút bạn theo do đó hãy dùng hết sức mạnh để nhảy càng xa thuyền càng tốt. Tuy nhiên cũng cần xem xét trước khi nhảy, không nhảy vào chỗ đã có quá nhiều người hoặc không được nhảy lên người khác.

Tuyệt đối không vùng vẫy nếu đã tiếp nước vì bạn càng sợ và vùng vẫy thì càng mau bị chìm vì tốn nhiều sức lực. Hít những hơi thật dài, nằm ngửa và thả nổi là một trong những phương pháp giúp bạn cải thiện cơ hội sống sót ngay cả khi không biết bơi, có thể cầm cự để chờ người đến cứu.

Mỗi hành khách trên tàu luôn phải mặc áo phao (Ảnh minh họa)

Cần giữ sức và phát tín hiệu cầu cứu

 Trường hợp phát hiện ra vết dầu loang từ con tàu bị đắm, tốt nhất bạn phải tìm cách rời xa khu vực đó bởi những đám cháy từ dầu loang này rất nhanh.

Nếu thấy bóng dáng của máy bay hay các tàu khác từ xa thì cầu cứu bằng pháo sáng, khói hay bất cứ quần áo sắc màu hoặc âm thanh nào có thể nhưng cũng nên chú ý giữ sức nếu thấy rằng họ đã không nhận ra và bỏ đi.

Đặc biệt, bạn cần phải giữ sức để vật lộn với sự sống; Hạn chế ăn uống ngay cả khi bạn có lương thực và phải phân bố lương thực cho hợp lý. Nếu gặp trời mưa phải tìm cách hứng, những túi nilon mang theo trước khi xuống biển là rất cần thiết trong trường hợp này. Nước sẽ là yếu tố giúp bạn sống sót nhưng nhớ là đừng uống nước biển, nó sẽ làm bạn bị mất nước và khát hơn. Rong tảo ở biển là thức ăn rất tốt cho sức khỏe và có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở biển.

Trong những tình huống khẩn cấp, người dân cần cố gắng bình tĩnh định hướng, quan sát để tìm hướng về đất liền. Hãy quan sát các loài chim biển, nếu gặp chim biển đang bay, hướng bay của nó sẽ là đất liền, nhất là vào các buổi chiều. Nếu thấy những dấu hiệu của đất liền, bạn hãy sử dụng sức lực để di chuyển về hướng đó. Tận dụng sức gió giúp các bạn trôi về hướng đất liền.

Không một ai muốn mình bị trôi dạt trên biển. Bởi nhiều nguyên nhân khiến ta bị lâm vào tình trạng này. Ngoài những kỹ năng sinh tồn cần thiết, chúng ta cần phải cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi, nỗi cô đơn, tâm lý hoảng loạn mà từ đó giúp mình thoát ra khỏ tình trạng này càng nhanh càng tốt.

 Thanh Hà- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-nang-song-sot-duoi-nuoc-khi-bi-dam-tau-thuyen-du-lich-190723.html