Chăm lo toàn diện người có công
Hiện nay, Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800.000 người, trong đó gần 86.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và gần 700.000 là người hoạt động kháng chiến, cựu Thanh niên xung phong... hưởng trợ cấp ưu đãi 1 lần, bảo hiểm y tế, mai táng phí. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời quan tâm chăm lo toàn diện cho người có công và thân nhân.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Mịn, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hữu Bằng ở quận Hoàng Mai.
Trong 5 năm gần đây (2016-2020), Thành phố đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với gần 203.200 lượt người có công. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị Quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về một số chính sách đặc thù của Thành phố đối với người có công: Quy định mức hỗ trợ hàng năm đối với các ban liên lạc tù chính trị trên địa bàn Thành phố; quy định chính sách đặc thù của Thành phố về chế độ điều dưỡng đối người có công với cách mạng từ 80 tuổi trở lên, mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Quốc Khánh 2/9...
Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đang nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 100 nạn nhân da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học…
Cũng trong giai đoạn này, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ như: 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với 9.870 hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí trên 1.317 tỷ đồng, năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn Thành phố vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 203 tỷ đồng, tặng 28.916 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 33,3 tỷ đồng, tu sửa 741 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 440 tỷ đồng. Hiện Thành phố Hà Nội không còn hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và phấn đấu không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới.
Cùng với việc nâng cao mức sống, vấn đề khác mà người có công và thân nhân đặc biệt quan tâm là giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ chưa biết tên” cũng đã được các cơ quan chức năng của Thành phố quan tâm triển khai.
Riêng trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính lĩnh vực người có công được Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi Hà Nội thực hiện rất nghiêm túc.
Tất cả hồ sơ đề nghị công nhận người có công khi được gửi về Sở đều được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, đúng quy định một cửa. Đối với những hồ sơ được giải quyết theo quy trình của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan thường trực đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì họp với các thành viên Ban chỉ đạo đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan Trung ương về những trường hợp hồ sơ người có công tồn đọng.
“Mỗi tháng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội giải quyết được hàng ngàn hồ sơ (chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh; chế độ ưu đãi giáo dục; mai táng phí...). Đối với hồ sơ người có công tồn đọng theo quy trình Quyết định số 408, Thành phố Hà Nội đã họp và trình trên 20 trường hợp do gia đình lưu giữ hồ sơ, trong đó gần đây nhất (tháng 5/2021) đã trình 06 trường hợp lên Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định. Chúng ta đã làm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định và đến bây giờ không nhận được bất kỳ đơn thư nào phản ánh nào”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đền ơn, đáp nghĩa
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động đến ơn đáp nghĩa, tri ân người có công, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 12/3/2021 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021). Các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch của Thành phố. Kế hoạch hướng đến mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố với nhiều hoạt động tri ân thiết thực.
Chăm sóc người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội
Theo báo cáo nhanh của các đơn vị qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến ngày 22/7/2021, Thành phố đã hoàn thành các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và vượt các chỉ tiêu đề ra trong phong trào đền ơn, đáp nghĩa hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cụ thể: 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; toàn Thành phố vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 27,3 tỷ đồng (đạt 122,9% kế hoạch); tặng 4.366 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 5,3 tỷ đồng (đạt 151,6% kế hoạch); tu sửa 74 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 45,6 tỷ đồng (đạt 157,4% kế hoạch); hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với 284 hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí trên 11 tỷ đồng (đạt 125,1% kế hoạch). Các quận, huyện, thị xã đã chuyển gần 374.000 suất quà của Chủ tịch Nước, quà của Thành phố, quà cấp huyện, cấp xã và các nguồn vận động xã hội hóa với số tiền trên 164,3 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là gần 8,7 tỷ đồng) đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, chu đáo.
Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức các Đoàn đại biểu đi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ cấp Quốc gia, nghĩa trang liệt sĩ Thành phố; đoàn các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đến thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn các quận, huyện. Cũng trong dịp này, thành phố Hà Nội rất vinh dự được các Đoàn Lãnh đạo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thăm hỏi, tặng quà tri ân đến các thương binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn.
“Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, Thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc công tác phòng chống dịch, luôn chủ động, bám sát các chỉ đạo của Trung ương. Có thể khẳng định dịch Covid-19 đã không ảnh hưởng đến công tác Đền ơn, đáp nghĩa, tri ân của thành phố Hà Nội đối với người có công với các mạng và các gia đình liệt sĩ hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2021, qua đó đạo lý “uống nước nước nguồn” mãi được tỏa sáng ở Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Phạm Diệp - LĐTĐ