Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: hochiminh.vn)
Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc là điều rất cần thiết. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Tại đây, Bác đã chỉ rõ "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá". Đồng thời, Người kêu gọi "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi".
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt” và diệt “giặc ngoại xâm”. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt",... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị như "Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19";...
Nhằm tiếp tục khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, ngày 7/6/2023, Bộ Công an tổ chức Hội thảo hoa học “Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng CAND” do Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, nhấn mạnh: Vấn đề đặt ra là phải phát huy hơn nữa giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước 75 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
P.T - Pháp luật Plus