Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2023): Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng

13/03/2023 09:30

Kinhte&Xahoi Công tác tuyên giáo, chính trị, tư tưởng giữ vị trí quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, trong suốt chặng đường 93 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; tạo sự đồng thuận trong nhân dân với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.

Quang cảnh lễ phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một binh chủng tác chiến mạnh mẽ 

Ngay sau khi Đảng bộ thành phố được thành lập, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo các đảng viên bí mật làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Công tác vận động nhân dân ở Hà Nội đã làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận dân chủ... Ngày 19-8-1945, cuộc mít tinh của gần 20 vạn người biến thành cuộc biểu tình thị uy, chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch, giành chính quyền về tay nhân dân Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ; trong đó có vai trò của công tác chính trị, tư tưởng trong việc chuẩn bị lực lượng cách mạng giai đoạn 1930-1945...

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Lúc này, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ thành phố tập trung cho nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa... Đại thắng mùa xuân 1975 mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ngày 22-1-1976, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp đánh giá tình hình và định hướng công tác tư tưởng trong tình hình mới. Đến giữa năm 1981, Thành ủy đã tiến hành đánh giá 5 năm (1976-1980) về công tác tư tưởng. Trên cơ sở đó, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 24-6-1981 về những nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, tương xứng với vị trí Thủ đô.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố (tháng 10-1986) đã đề ra phương châm hành động của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tháng 4-1991, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố xác định, phải đổi mới nội dung và phương pháp công tác tư tưởng, tăng cường giáo dục chính trị, bảo đảm thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, không dao động, mơ hồ. Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đến nay, công tác chính trị, tư tưởng được gắn với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. 

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, công tác chính trị, tư tưởng luôn được đổi mới, nâng cao chất lượng gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng bằng nhiều giải pháp cụ thể, sâu sát, khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình Thủ đô.

Giữ vững ngọn cờ tư tưởng

Thực tiễn tình hình tư tưởng đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với công tác tuyên giáo. Trong đó, thách thức là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Ngoài ra, các thế lực cơ hội, thù địch, phản động phối hợp chặt chẽ để xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống 93 năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng bộ thành phố tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố và giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng. Ðổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống, công tác tuyên truyền, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động...

Đảng bộ thành phố tiếp tục thực hiện tốt phương châm trong công tác tuyên giáo là “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự đồng thuận để ý Đảng lòng dân là một, là sự thống nhất về chính trị - tư tưởng, khích lệ, động viên nhân dân tích cực góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Đình Hiệp - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1057984/xay-dung-dang-vung-manh-ve-chinh-tri-tu-tuong