Lãi lớn từ sách giáo khoa, lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thu nhập khủng cỡ nào?

04/07/2022 10:08

Kinhte&Xahoi Năm 2021, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận lãi lớn nhờ nguồn thu từ phân phối sách giáo khoa. Nhờ đó, dàn lãnh đạo của đơn vị này cũng nhận được mức lương, thưởng rất lớn.

Lãi lớn nhờ phân phối sách giáo khoa

 Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng bài phản ánh về việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thời gian qua đã không công bố đầy đủ thông tin doanh nghiệp theo quy định Chính phủ, bất ngờ, ngày 30/6, đơn vị này đã đồng loạt công bố các tài liệu: Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2021; Báo cáo tình hình đầu tư tại các công ty con năm 2021 và Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chưa công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên website của công ty. Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo tài chính hằng năm khiến dư luận đặt nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh sách giáo khoa của đơn vị này. Trong khi đó, việc tăng giá sách giáo khoa đang là vấn đề gây bức xúc với phụ huynh học sinh cũng như công chúng trong thời gian qua.

Theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021" vừa công bố, năm 2021, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Về các chỉ tiêu tài chính, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động phân phối sách giáo khoa chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Kết quả, năm 2021, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận sau thuế đạt 287,4 tỷ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và đào tạo giao. Đây cũng là mức lợi nhuận tăng đột biến, vượt qua con số dao động bình quân từ 120 - 150 tỷ đồng của những năm trước (năm 2015 đạt 32 tỷ đồng, năm 2016 đạt 72 tỷ đồng, năm 2017 đạt 151 tỷ đồng, năm 2018 đạt 128 tỷ đồng, năm 2019 đạt 132 tỷ đồng, năm 2020 đạt 125 tỷ đồng).

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi lớn nhờ sách giáo khoa

Như vậy, có thể thấy, kết quả kinh doanh của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tăng mạnh theo đà tăng giá sách giáo khoa. Năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách cao hơn 3 - 4 lần. Năm nay, mức giá sách giáo khoa cho các lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2 - 3 lần so với các bộ sách cũ.

Bên cạnh đó, cả 7 công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tương tự do nhà xuất bản này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng.

Về khả năng sinh lời, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là gần 40%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt gần 18%. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2021 là hiệu quả.

Lý giải về việc kinh doanh của năm vừa qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết có nhiều thuận lợi và cả khó khăn.

Về mặt thuận lợi, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Tài chính; Đồng thời nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành Trung ương và địa phương, sự quan tâm của xã hội đối với ngành giáo dục cũng như đối với các sản phẩm của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phục vụ nhiệm vụ dạy và học trong nhà trường...

Về mặt khó khăn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, dịch bệnh gây trở ngại cho công tác in, vận chuyển, cung ứng sách trước ngày khai giảng; Kế hoạch in sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 bị động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mẫu chậm so với kế hoạch.

Mặt khác, nạn in lậu, làm giả sách ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho biết thêm, tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này.

Thu nhập khủng của dàn lãnh đạo

 Trong "Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021", Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hé lộ mức thu nhập khủng của dàn lãnh đạo đơn vị này.

Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544,3 triệu đồng/năm cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Thái lên tới hơn 660 triệu đồng.

Trụ sở Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

Người có tổng thu nhập cao thứ hai tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Hoàng Lê Bách - Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với gần 620 triệu đồng. Trong đó, tiền lương là 538 triệu đồng và 80 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác.

Các Ủy viên Hội đồng thành viên khác gồm: Ông Phạm Vĩnh Thái (nhận 425 triệu đồng tiền lương năm 2021); ông Phạm Văn Thắng (173,8 triệu đồng); ông Phạm Gia Thạch (vừa chức danh Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Kế toán trưởng có tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng); Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (360 triệu đồng); Ông Thừa Phú (340 triệu đồng).

Tương tự, các thành viên trong ban điều hành là các Phó Tổng Giám đốc gồm: Ông Lê Hoàng Hải (tổng thu nhập hơn 540 triệu đồng); Ông Nguyễn Chí Bình và Bà Phùng Ngọc Hồng có cùng mức thu nhập là hơn 530 triệu đồng. Trong khi đó, cùng là Phó Tổng Giám đốc nhưng ông Lê Huy chỉ nhận mức lương 57,9 triệu đồng và ông Lê Thành Anh là 225 triệu đồng.

Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Là doanh nghiệp Nhà nước, theo quy định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất, đầu tư; Báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên website của công ty lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo dù có tóm lược số liệu tài chính. Về báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thực hiện công bố nhưng không đầy đủ, năm có năm không.

Nhận định tính chất pháp lý về sự việc này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 18/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước. Mới nhất, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ cũng đã nêu việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp; Bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước và xã hội.

Theo ý kiến của vị luật sư, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ một lượng lớn vốn, tài sản của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động trong những lĩnh vực mà khối tư nhân không tham gia hoặc do độc quyền tự nhiên; Cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, quan trọng đối với nền kinh tế.

Do đó, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là một trong những công cụ hữu hiệu để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc thực thi các nhiệm vụ được Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Theo đó, việc công khai thông tin giúp chia sẻ, minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan (ví dụ: Người lao động, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh...).

Đồng thời, Nhân dân là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp Nhà nước; Cơ quan đại diện chủ sở hữu và những người có liên quan chỉ được ủy quyền để thực thi quyền sở hữu của Nhân dân đối với doanh nghiệp.

Vì vậy, cần thiết phải công bố thông tin, giải trình để Nhân dân có cơ sở đánh giá, xác thực rằng các tổ chức, cá nhân được ủy quyền đại diện đang hành động vì lợi ích của Nhân dân và đang sử dụng có hiệu quả nguồn lực (trong đó có nguồn gốc từ tiền thuế của Nhân dân) được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Luật sư cho rằng, việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố đầy đủ thông tin doanh nghiệp thì cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị đại diện sở hữu vốn Nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó là trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

"Mặc dù theo quy định, người quản lý sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo, doanh nghiệp bị xử phạt hành chính nếu không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, chế tài hiện hành chưa đủ nặng để bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, do đó, tôi cho rằng phải tăng mạnh chế tài xử lý, đặc biệt là người đứng đầu đơn vi vi phạm và đại diện sở hữu", vị luật sư nhận định.

Vừa qua, trả lời báo chí, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.

Do đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.

"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ", ông Sơn chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/5 vừa qua.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, bên cạnh những ưu điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 - 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; Công tác tổ chức cán bộ; Tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; Biên soạn sách giáo khoa...

Để tìm hiểu về việc không công bố thông tin doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc này, phóng viên đã liên hệ trao đổi với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua phóng viên không nhận được phản hồi từ các đơn vị trên. 

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lai-lon-tu-sach-giao-khoa-lanh-dao-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-thu-nhap-khung-co-nao-200143.html