Làm gì để trẻ học trực tuyến ở nhà an toàn?

13/09/2021 09:38

Kinhte&Xahoi Sau sự việc học sinh lớp 5 bị điện giật tử vong ở Hà Nội, vấn đề an toàn cho trẻ khi học trực tuyến tại nhà khiến nhiều phụ huynh lo lắng, nhất là với học sinh tiểu học.

Chuyên gia giáo dục thì đưa ra khuyến cáo, nguyên tắc an toàn đối với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống là không được phép để trẻ ở một mình không kiểm soát quá 4 tiếng.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nạn nhân trong vụ việc học sinh tử vong do bị điện giật là cháu H.H.D (SN 2011), học sinh một Trường Tiểu học tại quận Đống Đa. Theo báo cáo của nhà trường, gia đình cho biết cháu bé tử vong vào khoảng 7 giờ 30 phút tại nhà riêng. Thời gian đó mẹ cháu đi làm, bố cháu ra ngoài có việc, ở nhà chỉ có D và em gái đang học lớp 3.

Sau sự việc trên, hiện các trường học tại Hà Nội đã đưa ra các thông báo, lưu ý về công tác phòng chống tai nạn thương tích khi học sinh ở nhà như: Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Tiểu học Thủ Lệ, Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình)… hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bỏng; hóc, tắc nghẹn đường thở; điện giật; động vật cắn; ngộ độc; vật sắc nhọn… cho trẻ em.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: “Những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng. Trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh cũng như người thân trong gia đình; đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm trong việc hướng dẫn, nhắc nhở học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ”.

Bước vào năm học mới, các gia đình đã dần bắt nhịp với việc học trực tuyến của các con, các thiết bị điện tử gồm: máy tính, điện thoại thông minh, ti vi… thường xuyên được học sinh sử dụng với tần suất dày đặc. Việc hết pin, sạc pin, tắt/bật công tắc điện sẽ là thao tác được trẻ thực hiện thường xuyên. Thế nhưng, kỹ năng sử dụng thiết bị đảm bảo an toàn thì không phải đứa trẻ nào cũng biết. Nhiều phụ huynh cũng giật mình vì chỉ nhắc nhở các con qua loa, bởi luôn nghĩ những điều tối thiểu đó các con đều đã biết, nhưng thực tế không phải vậy.

Chưa kể tới, nhiều trường thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội, tỷ lệ học sinh dùng điện thoại để học trực tuyến chiếm đa số. Có trường đến 90% học sinh dùng điện thoại để học, trong số đó việc sử dụng điện thoại cũ, điện thoại giá rẻ, điện thoại đã chai pin khá phổ biến.

Mặt khác, thời khóa biểu của các trường, các cấp từ 3-5 tiết/ buổi hoặc 6-8 tiết/ngày; mỗi tiết 35-45 phút (tùy cấp) và được nghỉ 10 phút rồi lại nối tiết khác. Trong thời gian ấy, rất ít thiết bị có thể đảm bảo đủ pin hoạt động liên tục nên nhiều học sinh vừa sạc pin vừa học. Do đó, phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị để đảm bảo con sử dụng an toàn; bố trí thời gian, cách thức để trông chừng, quản lý trẻ; tập huấn cho trẻ các kỹ năng sử dụng thiết bị điện an toàn- những giới hạn của việc được làm và không được làm…

Cùng với đó, phụ huynh cũng lo lắng, tới đây khi trở lại cuộc sống “bình thường mới” người lớn đi làm trở lại, mà các con chưa được đến trường thì việc trông nom con học ở nhà càng nan giải. Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thành Nam - ĐH Quốc gia Hà Nội thì nguyên tắc an toàn đối với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở xuống là không được phép để trẻ ở một mình không kiểm soát quá 4 tiếng. Trong các tình huống phải ở một mình lâu, đứa trẻ có thể trở nên rất lo lắng và mất kiểm soát hành vi.

 Đảm bảo dạy và học phù hợp tình hình dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 11/9/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về bảo đảm điều kiện dạy và học phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Theo đó, để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 -2022 trong điều kiện dịch Covid-19 có nhiều khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt trong điều kiện chưa triển khai tiêm vaccine được cho lứa tuổi học sinh. Tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.

Đồng thời, giảm tải chương trình phù hợp với điều kiện và phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học tránh quá căng thẳng hoặc hình thức, hời hợt. Đặc biệt lưu ý phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đối với học sinh bậc tiểu học và các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu khi phải tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, tivi.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, thi cử (nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường, chọn lớp đầu cấp; thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học) phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh, tất cả nhằm bảo đảm công bằng, quyền lợi của học sinh.

Khuyến cáo an toàn điện cho trẻ nhỏ

Để giảm thiểu rủi ro về tai nạn điện đối với trẻ em, EVN đưa ra một số khuyến cáo, lưu ý để đảm bảo an toàn điện cho trẻ nhỏ. Với cha mẹ, người lớn cần giáo dục, nhắc nhở trẻ em nên tránh xa dây điện, thiết bị điện; đảm bảo tay khô hoàn toàn khi sử dụng các thiết bị điện; không dùng ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện….

EVN cũng hướng dẫn lựa chọn và lắp đặt thiết bị điện trong gia đình, để an toàn cho trẻ như: nên sử dụng ổ cắm và phích cắm có 3 chân, 3 dây để chống rò rỉ điện; chọn các mẫu ổ cắm điện có nắp đậy hoặc gắn thêm nắp đậy chống thấm khi lắp đặt; ổ cắm điện, công tắc nên được lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không với tới được. N.K

 Uyên Na - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/lam-gi-de-tre-hoc-truc-tuyen-o-nha-an-toan-d166083.html