Có một câu chuyện gây cười trong tuần qua: Khi những người đi dân đi chợ thắc mắc vì thấy giá bán thịt lợn quá cao mà trên truyền hình (tivi) cơ quan quản lý tuyên bố sẽ đưa giá xuống còn 70.000 đồng/kg, những người bán hàng đã đồng thanh nói: Lên tivi mà mua.
Quả thực, chưa bao giờ như thời điểm này, trong bữa ăn ngày thường, thịt lợn đã giống như một loại... đặc sản. Bởi vì, giá của nó đã quá cao: Ở các chợ dân sinh, tuần qua, có thời điểm, giá thịt lợn biến động từ 160-200.000 đồng/kg. Với mức giá này, ở nhiều nơi, vào thời điểm trước đây, người ta có thể mua được những loại thịt lợn đặc sản, chứ nói gì đến thịt lợn thường.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, chi tiêu của đa số các hộ dân vì thịt lợn là một trong những thực phẩm cơ bản, nhu cầu tiêu thụ rất cao và cũng không dễ thay thế bởi các loại thịt gia súc, gia cầm khác dù ở thời điểm này, giá các loại sản phẩm đó lại khá rẻ.
Ai cũng hiểu là giá thịt lợn sẽ phải cao hơn nhiều cùng thời điểm năm 2019 bởi nguyên nhân cơ bản là năm vừa qua, dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Tại nhiều địa phương, lợn chết rất nhiều làm giảm đáng kể nguồn cung. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch bệnh này đã khiến đàn lợn nước ta suy giảm 20%, khối lượng thịt cung ứng ra thị trường giảm 9,3%.
Tuy nhiên, bù lại sự suy giảm đó thì từ cuối năm 2019 đến nay, sau khi dịch tả lợn đã giảm đi thì tốc độ tái đàn lợn đến hết quý I/2020 ở nhiều địa phương đã tăng 6,3%. Thế nhưng, giá thịt lợn vẫn tăng cao là một điều khó hiểu.
Bởi lẽ, ngoài yếu tố việc thúc đẩy năng suất nuôi, tái đàn làm gia tăng sản phẩm cung ứng ra thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu số lượng khá lớn thịt với giá thấp hơn giá bán tại Việt Nam rất nhiều. Giá thịt lợn hơi được 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất bán ra tại nơi xuất chuồng chỉ 70.000 đồng/kg?
Vậy thì tại sao giá thịt bán đến tay người dân lại lên gấp đôi, thậm chí có nơi tăng lên gấp 3 như vậy?
Theo chính lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đó là do "có quá nhiều khâu trung gian". Bộ trưởng cho rằng từ khâu giết mổ đến khâu bán hàng đều manh mún nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát giá. Hệ quả là người tiêu dùng chưa được hưởng lợi như chúng ta mong muốn mặc dù giá lợn hơi đã giảm xuống thấp.
Như vậy, nói đi nói lại, chuyện giá thịt lợn 70.000 đồng/kg vẫn chỉ là mức giá trên... tivi, chung quy bởi do quản lý kém. Câu chuyện thì tưởng mới nhưng hóa ra nó vẫn là hệ quả của tình trạng quản lý cũ: Giá nông sản, thực phẩm ở nơi sản xuất thì thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì thành giá "cắt cổ" bởi các khâu trung gian, lợi dụng 1 vài yếu tố nghe có vẻ khách quan để thổi giá lên kiếm lợi.
Cho nên, để giảm giá sản phẩm đến tay người dân ở mức hợp lý nhất, không chỉ là ở vấn đề tổ chức lại sản xuất, như ở đây là đẩy mạnh tái đàn lợn mà cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung cho các giải pháp: Quản lý thị trường phải kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng đẩy giá quá cao; đẩy mạnh nhập khẩu để có nhiều nguồn hàng rẻ hơn, cạnh tranh với sản phẩm trong nước; thúc đẩy các tổng công ty, doanh nghiệp thương mại của nhà nước tích cực tham gia phân phối sản phẩm để tư thương không hoành hành...
Chứ chỉ chờ tốc độ tái đàn thì người dân vẫn sẽ phải chịu mức giá thịt lợn "trên trời" mãi trong nhiều tháng tới.