Lan tỏa mạnh mẽ hoạt động giám sát từ Quốc hội tới HĐND cấp cơ sở

27/09/2022 18:44

Kinhte&Xahoi Sáng 27/9, tham luận tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, các nội dung được lựa chọn giám sát đều là vấn đề lớn, quan trọng.

Giám sát chuyên đề đều là những vấn đề lớn, quan trọng

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ thống nhất cao đối với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tham luận tại Hội nghị. 

Đồng thời, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai chương trình giám sát năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023 rất thiết thực và ý nghĩa nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ, thông suốt trong triển khai thực hiện. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, then chốt của Quốc hội và các cơ quan dân cử để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa của các cơ quan.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2022, cả nước thực hiện mục kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội với nhiều kết quả đạt được, cùng với nhiều quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ chưa từng có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung quyết liệt, thực hiện triển khai Chương trình giám sát năm 2022 với nhiều đổi mới, có kết quả mang tính đồng bộ và toàn diện ở tất cả các nội dung. Trong đó những vấn đề chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề đều là những vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, đổi mới cải tiến để tạo chuyển biến và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cử cử tri, của địa phương và của cả nước.

Trong quá trình giám sát, công tác phối hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động hơn, hiệu quả hơn, đồng thời cũng là dịp địa phương liên thông giám sát các vấn đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai sát hơn, hiệu quả hơn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội được tổ chức một cách chủ động, nghiêm túc, hiệu quả. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng xác định rõ trách nhiệm là Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ và chất lượng giám sát tiếp tục được nâng lên, một số nội dung được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp triển khai 4 Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội. Trong đó có nhiều nội dung lớn, phức tạp, quan trọng như: giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố Hà Nội”; giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2021”.

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai 1 đoàn khảo sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016-2021”. Trong quá trình triển khai giám sát, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tham gia trách nhiệm, đầy đủ và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Nên sử dụng phần mềm để theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Về triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhất trí cao với các nội dung chương trình giám sát theo Nghị quyết số 47/2022/QH15 của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những nội dung giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đều là những nội dung rất lớn, quan trọng, trúng, đúng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ triển khai nghiêm túc, trách nhiệm các nội dung giám sát đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả và đúng các quy định.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nêu các nội dung kiến nghị với Quốc hội. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Triển khai Nghị quyết này, HĐND thành phố Hà Nội sẽ quán triệt tới HĐND các cấp của thành phố Hà Nội, từ đó nhằm lan toả mạnh mẽ hoạt động giám sát từ Quốc hội tới HĐND cấp cơ sở.

Đoàn cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đồng thời, đề nghị Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Nguyễn Vũ - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/lan-toa-manh-me-hoat-dong-giam-sat-tu-quoc-hoi-toi-hdnd-cap-co-so.html