Làng hương xạ thôn Cao rộn ràng vụ Tết
Kinhte&Xahoi
Khi cái nắng hanh hao rót vàng khắp nẻo, phố phường tấp nập bước vào những ngày cuối năm, cũng là khi làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), rộn ràng vụ sản xuất lớn nhất trong năm để phục vụ thị trường dịp Tết nguyên đán Qúy Mão 2023.
Người dân thôn Cao đang tranh thủ phơi hương xạ chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Qúy Mão.
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng hương xạ thôn Cao thuộc xã Bảo Khê, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, là một trong những làng nghề làm hương lớn nhất cả nước. Hương xạ thôn Cao được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Nhờ vào "bí mật gia truyền" mà làng nghề này đã có tuổi đời gần 300 năm.
Người làm nghề lâu năm vẫn ví Tết là dịp đặc biệt để sản xuất ra những mẻ hương đặc biệt. Nắng cuối đông và không khí khô hanh rất lý tưởng để hương khô tự nhiên, đều, nhanh nhất, giữ màu và hương thơm, lại không tốn chi phí sấy.
Trên khắp các đường làng, ngõ, xóm, hương được rải đều tăm tắp trên các giá phơi, không khí lao động sản xuất tại các cơ sở làm hương diễn ra nhộn nhịp. Người trộn bột, người xe hương, người phơi, người đóng gói, ai nấy đều cố gắng nhanh tay để hoàn thành những đơn hàng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Hương Xạ thôn Cao có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng.
Dù làng hương đã trải qua bao thăng trầm biến đổi, nhưng người dân trong làng vẫn say mê, giữ gìn và phát triển trở thành làng nghề truyền thống như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Làng nghề đang có khoảng 180 hộ sản xuất, mùi hương thơm dễ chịu và không khí tấp nập, bận rộn hiện hữu khắp làng.
Những tháng giáp Tết, hộ ít cũng sản xuất 3 vạn nén hương/ngày, hộ sản xuất nhiều thì tới 15 vạn nén hương/ngày. Các hộ sản xuất đều trang bị máy móc để sản xuất như: Máy nghiền nguyên liệu, trộn nguyên liệu, làm hương vòng, làm hương nén… Người lao động thời vụ có thu nhập từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày.
Hương xạ (loại hương vòng) cũng được nhiều khách hàng ưa thích.
Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch hội làng nghề hương thôn Cao cho biết: Làm hương dù vất vả nhưng mỗi người dân thôn Cao đều ý thức đó là nghề của cha ông cần được giữ gìn và phát triển. Làng hương thôn Cao được ví như cái nôi của nghề làm hương Việt Nam, nhiều người dân trong thôn đã mang nghề của làng mình tới vùng khác để phát triển, mang nét đẹp truyền thống của dân tộc ra nhiều nước trên thế giới. Năm nay, 100% số hộ làm hương đã chuyển sang sản xuất hương bằng máy.
Dọc theo Quốc lộ 39A, không khó để bắt gặp hàng loạt cửa hàng lớn chuyên bày bán hương với đủ màu sắc, hình dáng đa dạng. Theo những người làm nghề trong thôn, có khoảng 30 loại thảo mộc được dùng để làm hương, trong đó đa phần là các vị thuốc bắc và một số cây kết hợp, như cây Tùng thì bản thân nó có mùi thơm và có một lượng dầu rất lớn, đến khi hòa trộn cùng các vị thuốc Bắc thì giữ được mùi thơm tự nhiên của nén hương và không gây hại sức khỏe.
Không chỉ giữ ngọn lửa nghề, những người dân thôn Cao còn liên tục liên tục sáng tạo, phát triển mẫu mã, mùi hương, nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm không chỉ có thương hiệu trong tỉnh, trong nước, mà còn được một số doanh nghiệp lựa chọn để xuất khẩu. Không chỉ là nét đẹp nghề truyền thống được cha truyền con nối mà từng nén hương của làng thôn Cao còn góp phần vào nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Thành Ngoan - Pháp luật Plus