Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nói: "Đây là cơ sở quy mô liên vùng, thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch đô thị do Thủ tướng phê duyệt. Việc đầu tư là đúng, không phá vỡ quy hoạch".
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: Viết Tuân
Theo ông Hùng, hiện nay thành phố cấp nước sạch cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn theo quyết định số 38, ban hành tháng 9/2013. Trong quyết định này có đề cập đến lộ trình tăng giá nước. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, thành phố giữ giá nước ổn định cho người dân và các cơ sở sản xuất.
Trước câu hỏi "có hay không thường trực HĐND TP Hà Nội bác đề xuất của UBND thành phố về trợ giá mua nước sạch sông Đuống?"
Ông Hùng cho hay, trong nghị định và thông tư liên quan đến giá nước sạch đã cho phép ngân sách cấp bù nếu giá tiêu thụ (bán buôn) cao hơn giá bán lẻ đến hộ tiêu dùng; UBND cấp tỉnh quyết định mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, không trái quy định hiện hành về ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở quy định này, tháng 7/2019, UBND TP Hà Nội có văn bản trao đổi với thường trực HĐND, đề nghị phối hợp giải quyết vướng mắc về phương án giá nước của Nhà máy nước sông Đuống, do có chênh lệch giữa giá tiêu thụ và giá bán lẻ. Sau đó, thường trực HĐND trả lời, việc này thuộc "thẩm quyền quyết định thuộc UBND thành phố"; và đề nghị UBND thành phố rà soát, làm rõ nguồn kinh phí trợ giá nước sạch của năm ngân sách 2019.
"Như vậy, đây là hai bên đang bàn bạc trao đổi chứ không phải thường trực HĐND có văn bản bác đề nghị của UBND thành phố", ông Hùng nói.
Theo ông, hiện UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành xem xét sửa đổi quyết định 38, trong đó lưu ý đến vấn đề đảm bảo tính đúng, tính đủ giá nước sạch theo quy định hiện hành.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được công bố tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Khi cơ sở này đi vào hoạt động, báo chí phản ánh giá nước tối đa tạm tính của nhà máy là 10.246 đồng mỗi m3, cao gấp đôi so với mức 5.069 đồng mỗi m3 của nhà máy sông Đà.
Lý giải điều này tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói đây là giá tạm tính phục vụ cho doanh nghiệp lập dự án đầu tư, khi dự án hoàn thành mới có giá thành chính thức. "Khi quyết toán công trình có thể thấp hơn, cũng có thể cao hơn", "còn thành phố chắc chắn không bao giờ bù giá nếu doanh nghiệp lỗ", ông nói thêm.
Sau khi hoàn thành giai đoạn một, nhà máy nước mặt sông Đuống đã bán buôn cho một số đơn vị phân phối nước sạch tại Hà Nội. Do giá bán buôn của cơ sở này được cho cao hơn giá bán lẻ, Sở Tài chính tổ chức hiệp thương và xác định giá bán nước sạch sông Đuống tạm tính 7.700 đồng mỗi m3.
Quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng phê duyệt năm 2013 nêu thủ đô sẽ có 3 nhà máy nước mặt, gồm: Nhà máy nước sông Đà, nhà máy nước sông Hồng và nhà máy nước sông Đuống.
Quy hoạch này xác định nhà máy nước sông Đuống có nhiệm vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực trung tâm phía đông bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh); khu vực nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và vùng nông thôn liền kề. Ngoài ra nhà máy này còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
|
/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.