Lao động tự do ngoại tỉnh ở Hà Nội được quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt

17/08/2021 18:45

Kinhte&Xahoi Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống của người dân, người lao động bằng những hành động, việc làm thiết thực. Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự quan tâm đó càng rõ nét hơn. Đối tượng được quan tâm gồm cả những lao động ngoại tỉnh làm công việc tự do, hiện cư trú tại Hà Nội.

Một công nhân xây dựng ngoại tỉnh, hiện trú tại phường Dương Nội (quận Hà Đông) tiếp nhận lương thực, thực phẩm được hỗ trợ trong thời gian giãn cách xã hội.

Xúc động khi được quan tâm kịp thời

Những ngày qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cấp bách bằng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu và cả tiền mặt cho hàng vạn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều người là lao động tự do, lao động ngoại tỉnh.


Đón nhận sự quan tâm này, chị Trần Thị Thu Hà, hiện trú tại một nhà trọ ở đường Nguyễn Tư Giản, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) xúc động cho biết, chị đến từ tỉnh Thái Bình, lên Hà Nội bán hàng rong nhiều năm qua. Hằng ngày, chị đi lấy hàng chợ Long Biên, rồi mang đi bán.

“Lợi nhuận từ việc bán hàng khoảng 200.000 đồng/ngày, tuy không nhiều, nhưng tôi còn có thu nhập hằng ngày để chi tiêu, nuôi hai con ăn học. Chồng tôi mất hơn hai năm rồi, chỉ còn tôi là lao động chính”, chị Hà bộc bạch.

Do hoàn cảnh khó khăn, chị Trần Thị Thu Hà không có tiền tích lũy. Vì vậy, khi phải nghỉ bán hàng, gia đình chị rơi vào cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Giữa lúc khó khăn, từ cuối tháng 7-2021 đến nay, chị Hà cùng các lao động trong “xóm trọ” nhiều lần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và các nhà hảo tâm. “Sự trợ giúp kịp thời ấy giúp chúng tôi thấy ấm lòng, không bị thiếu lương thực, thực phẩm”, chị Hà thông tin.

Cùng là lao động ngoại tỉnh, cùng mưu sinh ở chợ Long Biên, chị Vũ Thị Vùng, đến từ tỉnh Hưng Yên, thuê trọ tại ngõ 127 phố Phúc Xá, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) phấn khởi khi được chủ nhà trọ hỗ trợ giảm 50% tiền thuê nhà tháng 8-2021.

Được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, anh Lê Văn Hoạt, đến từ huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), hiện tạm trú tại phường Phú La (quận Hà Đông) chia sẻ: “Chúng tôi đang thi công cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông thì thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tiền công chưa kịp lĩnh, tiền tích lũy không còn, lương thực, thực phẩm gần hết. Song, nhờ có sự quan tâm, chia sẻ kịp thời từ các cơ quan chức năng quận Hà Đông và phường Phú La, chúng tôi chưa có bữa ăn nào bị thiếu cơm, lạt muối”.

Nhiều trường hợp khác vừa đến Hà Nội, chưa kịp đi làm, số tiền mang theo không đáng kể để có thể chi tiêu cho việc ăn uống, sinh hoạt cũng được hỗ trợ về nhiều mặt. Có thể kể đến là 10 lao động tự do đến từ tỉnh Điện Biên, bị “kẹt lại” tại huyện Chương Mỹ, được huyện bố trí nơi ăn, chốn ở tại Trường THCS thị trấn Xuân Mai, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và nhiều đơn vị khác động viên, hỗ trợ tiền mặt, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu...

Tổ trưởng dân phố của phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đến từng gia đình cho thuê trọ vận động miễn, giảm tiền thuê nhà cho người lao động.

Cố gắng không để ai không có nơi ở, không ai bị thiếu cơm ăn, áo mặc

Phát huy tinh thần nhân ái, sẻ chia, ngay từ những ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, đơn vị, địa phương cùng chung tay vận động, huy động nguồn lực, cùng quan tâm, chia sẻ yêu thương với lao động ngoại tỉnh làm công việc tự do đang gặp khó khăn.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết, toàn quận đã rà soát, hỗ trợ cho hơn 6.000 lượt lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, cư trú trên địa bàn quận với số tiền đã hỗ trợ là hơn 1,5 tỷ đồng, huy động từ nguồn xã hội hóa. Các phường có nhiều công trình đang xây dựng, nhiều lao động ngoại tỉnh cư trú như Phú La, Dương Nội... cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống của lao động từ nơi xa đến.

Chẳng hạn, tại phường Dương Nội, Chủ tịch UBND phường Bùi Huy Quang thông tin, ngoài các nguồn hỗ trợ của các cơ quan chức năng, phường Dương Nội đã hỗ trợ lương thực, hàng hóa thiết yếu cho 46 nhóm công nhân với 561 người đang ở các công trình trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ cho 800 lao động khó khăn đang thuê trọ ở các khu dân cư...

Tại quận Ba Đình, cùng với sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiều phường đã tuyên truyền, vận động chủ các nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà cho người lao động. Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá Trần Thị Tố Tâm cho biết, ngày 16-8, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường cùng cấp ủy chi bộ, hệ thống chính trị 9 địa bàn dân cư và 22 tổ dân phố đã tuyên truyền, kêu gọi các gia đình có nhà trọ đang cho người lao động tự do thuê, hỗ trợ người thuê bằng cách giảm tiền thuê trọ từ 50% đến 100%. Đến chiều cùng ngày, có 10 chủ nhà với gần 200 phòng trọ cam kết sẽ giảm cho người lao động ngoại tỉnh 50% tiền thuê trọ trong thời gian giãn cách. Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Văn Cường, ở số 37, ngõ 44 phố Phúc Xá, đã giảm 100% tiền thuê trọ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Trực tiếp đến từng gia đình có phòng trọ cho thuê vận động, ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 3 (phường Phúc Xá) cho hay, 100% gia đình cho thuê trọ đã cam kết giảm từ 50% tiền trọ cho người dân khó khăn.

Là người có nhà cho thuê, bà Trần Thị Ngát, tổ dân phố số 3 (phường Phúc Xá) nói: “Gia đình tôi hỗ trợ giảm 50% tiền thuê nhà tháng 8-2021 cho 22 phòng trọ với hơn 40 nhân khẩu. Ngoài ra, gia đình tôi kêu gọi cộng đồng hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người thuê trọ, bảo đảm mỗi hộ được nhận ít nhất một lần”.

Quận Tây Hồ đã rà soát và xây dựng phương án hỗ trợ người lao động tại các công trình tạm dừng thi công. Trong tổng số 3284 người lao động diện này đã có 1081 trường hợp được hỗ trợ với suất quà trị giá 300.000 đồng/ trường hợp. Bên cạnh đó, 3013 lao động tự do đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 4.519,5 triệu đồng.

Những địa phương khác tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh, làm công việc tự do như các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Long Biên... và các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh... cũng đã rà soát và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhóm lao động này.

Thực hiện Văn bản số 2647/UBND-KGVX ngày 14-8-2021 của UBND thành phố Hà Nội, tất cả 30 quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn và bố trí nơi ở tạm thời cho người không có nơi cư trú đến tạm trú. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ cấp bách cho lao động tự do.

“Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo, nỗ lực hết mình, cố gắng không để ai không có nơi ở, không ai bị thiếu cơm ăn, áo mặc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương nói.  

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. 

Thu Hiền - Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1009177/lao-dong-tu-do-ngoai-tinh-o-ha-noi-duoc-quan-tam-ho-tro-ve-nhieu-mat?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=31