Lễ hội Bánh Trung thu và trái cây 3 miền đến với công chúng Thủ đô

04/09/2022 20:04

Kinhte&Xahoi Lễ hội Trung thu năm 2022 diễn ra từ ngày 7/9 đến ngày 10/9/2022 (từ ngày 12 - 15 tháng 8 Âm lịch) tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng), khai mạc lúc 19h30 ngày 7/9 hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn cùng những cung bậc cảm xúc tuyệt vời nhất dành cho các em thiếu nhi Thủ đô.

Lễ hội Trung thu năm 2022 là hoạt động thường niên được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho các em thiếu nhi đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội, xây dựng môi trường thân thiện.

Hình ảnh trưng bày tại Lễ hội Trung thu 2022

Lễ hội năm nay mang chủ đề “Bánh Trung Thu và trái cây 3 miền”, với hàng trăm đặc sản của cả ba miền và các loại bánh dân gian với nguồn nguyên liệu sạch từ Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp), nhiều loại trái cây ba miền, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến từ trái cây phong phú, đa dạng, các gian hàng bánh trung thu… Ban tổ chức sắp đặt những chiếc thuyền lớn trưng bày các loại trái cây 3 miền và kếp hợp với đèn lồng nhiều kích cỡ tạo nên một không gian huyền ảo lung linh sắc màu. Chắc chắn đây sẽ là khu vực lý tưởng để các em thiếu nhi và khách tham quan đến thưởng lãm và chụp ảnh lưu niệm.

Lễ hội Trung Thu xưa và nay vốn không chỉ có ở Việt Nam mà là một lễ hội lớn vào dịp rằm tháng tám ở hầu hết các quốc gia châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên ở mỗi quốc gia, lễ hội Trung Thu lại mang những màu sắc văn hoá rất riêng. Ở Việt Nam truyền thuyết về chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc hay ông Thiềm thừ đã trở thành nét văn hoá điển hình in sâu vào ký ức các thế hệ tuổi thơ.

Tết Trung Thu của người Việt dù xưa hay nay, những hình ảnh biểu tượng đó dường như hiện diện trong hầu hết các hoạt động văn hoá, nghi lễ cũng như trò chơi con trẻ. Không gian trưng bày với chủ đề "Trung thu xưa và nay” là chuỗi câu chuyện kể về lễ hội Trung thu xưa và nay bằng hình ảnh như những nghi lễ Trung thu xưa, hình ảnh cỗ Trung thu xưa và nay, bánh trung thu xưa và nay, đồ chơi trung thu xưa và nay...

Cùng với đó là không gian sắp đặt tranh dân gian và các sản phẩm thủ công truyền thống trên chất liệu hiện đại được thể hiện đối lập sẽ tạo ấn tượng cho khách tham quan. Trong khu vực này còn trưng bày mặt nạ truyền thống và mặt nạ sáng tạo của PGS. TS Mỹ thuật Trang Thanh Hiền được thể hiện trên khung tre và mành tăm tre.

Các em thiếu nhi đến tham gia Lễ hội Trung thu 2022 có cơ hội trải nghiệm thực tế làm ra các sản phẩm Trung thu truyền thống như: làm lồng đèn, vẽ mặt nạ từ giấy bồi, nặn tò he Xuân La, làm phỗng đất làng Hồ, sáng tạo từ lá dừa, làm bút tre, làm các loại bánh truyền thống... Các em sẽ hiểu rõ hơn về các làng nghề vùng quê Việt nơi các nghệ nhân vẫn âm thầm và miệt mài, bảo tồn nét dân tộc qua từng chiếc đèn ông sao, mặt nạ bồi giấy, đèn kéo quân...

Khu trưng bày, triển lãm sách và thiết bị giáo dục với chủ đề “Cùng em đến trường” giới thiệu hàng trăm đầu sách dành cho các em thiếu nhi cũng như đồ dùng phục vụ học tập của các nhà xuất bản Giáo dục, nhà xuất bản Kim Đồng, công ty cổ phần sách Alpha, nhà sách Tiền Phong, nhà sách Trí Việt...

Xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đặc sắc, múa rối, xiếc, chương trình “Đêm hội rước đèn và Phá cỗ Trung thu”, biểu diễn Lân - Sư - Rồng, biểu diễn thời trang trẻ em với chủ đề “Lân vọng Nguyệt”...

 Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/le-hoi-banh-trung-thu-va-trai-cay-3-mien-den-voi-cong-chung-thu-do-204898.html