Linh hoạt để dạy học hiệu quả

17/02/2022 10:56

Kinhte&Xahoi Sau khi tổ chức cho học sinh lớp 9 ở huyện, thị xã và học sinh lớp 12 của toàn thành phố đi học trực tiếp, từ ngày 8-2 đến nay, Hà Nội đã lần lượt cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn thành phố và từ lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã trở lại trường học. Với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, các nhà trường đã khắc phục nhiều khó khăn, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, hạn chế tối đa sự xáo trộn để tổ chức dạy học hiệu quả.

Một giờ học của học sinh Trường Trung học phổ thông Khương Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Viết Thành

Từng bước đi vào nền nếp

Ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, công tác dạy và học của hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dần đi vào nền nếp, việc tổ chức dạy học bảo đảm hiệu quả.

Là một trong số các đơn vị có quy mô học sinh lớn nhất thành phố, những ngày qua, việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường học ở quận Hà Đông đã từng bước ổn định. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, về cơ bản, phụ huynh đều đồng thuận, yên tâm đưa con trở lại trường. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp trung bình ở các nhà trường đạt khoảng 97%. Số học sinh còn lại chủ yếu liên quan đến yếu tố dịch tễ, được nhà trường bố trí học trực tuyến. Quận có gần 10 ca F0 là học sinh được phát hiện trong quá trình học tập, đã được các trường chủ động xử lý, hạn chế tối đa sự xáo trộn trong dạy và học, bảo đảm an toàn cho mọi học sinh.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, không chỉ chuẩn bị phương án khi có học sinh là F0, F1, nhà trường cũng dự phòng trường hợp giáo viên liên quan đến yếu tố dịch tễ. Thực tế đã xuất hiện tình huống trong một buổi học, các giáo viên có giờ dạy ở một lớp học đều không thể đến trường. Nhà trường đã thông báo kịp thời để tất cả học sinh ở nhà học trực tuyến ngay ngày hôm đó, hôm sau đến trường học trực tiếp các môn khác.

Theo thống kê sơ bộ của các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường, tỷ lệ học sinh đi học tại trường hằng ngày được duy trì ở mức trên 92%. Việc tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh đã trở thành nếp, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy, học khi cần thiết.

Tập trung hỗ trợ học sinh

Cùng với việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị, trường học đã tập trung hỗ trợ học sinh, giúp các em nhanh bắt nhịp với việc học tập trong tình hình mới.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mỹ Hảo cho hay, sau một tuần triển khai, việc học trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở một số lớp bị gián đoạn do đường truyền internet không ổn định, khiến các em thuộc diện F0, F1 học ở nhà gặp khó khăn. Để giúp học sinh học tập tốt hơn, nhà trường đã điều chỉnh, bố trí ở mỗi khối lớp có hai phòng học trực tuyến dành cho những em chưa thể đến trường.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, cả 20/20 trường trung học cơ sở của huyện đều đã tổ chức dạy học trực tiếp. Trong tuần này, nhà trường tổ chức kiểm tra để đánh giá, phân loại học sinh, đặc biệt quan tâm đến các em lớp 9. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023, các em được tăng cường bồi dưỡng các môn: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy học đồng đều các môn học, tuyệt đối không học lệch, học tủ.

Bà Nguyễn Thị Chính, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình) chia sẻ: “Tại buổi tọa đàm “Đồng hành cùng học sinh trở lại trường” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức tối 11-2, chúng tôi đã thảo luận, thống nhất cách thức hỗ trợ, tạo động lực học tập cho các con; giúp con xóa tan sự lo lắng, chung sống an toàn với dịch bệnh. Chúng tôi thấu hiểu hơn nỗi vất vả của thầy, cô giáo và sẽ đồng hành với nhà trường để đưa các con sớm trở lại cuộc sống bình thường mới”.

Năm học 2021-2022, ở 18 huyện, thị xã có hơn 455.000 học sinh tiểu học; gần 75.000 học sinh lớp 6; số học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của toàn thành phố là gần 660.000 em. Trừ những em có yếu tố dịch tễ, hiện toàn bộ số học sinh kể trên đã trở lại trường học trực tiếp.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin, Sở đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường cần quan tâm tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để dạy các nội dung cốt lõi, phù hợp, tránh gây quá tải đối với học sinh. “Căn cứ kết quả triển khai, nếu các điều kiện bảo đảm an toàn, Sở dự kiến sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận đi học trực tiếp từ ngày 21-2-2022. Sở cũng sẽ tính toán về phương án, lộ trình để đề xuất UBND thành phố cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh và bảo đảm an toàn cho học sinh”, ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

 Thống  Nhất - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1024908/linh-hoat-de-day-hoc-hieu-qua