Loạt vi phạm được chỉ ra tại Dự án đường Trì Bình – Cảng Dung Quất

23/10/2021 10:44

Kinhte&Xahoi Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố Kết luận Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng đối với Dự án đường Trì Bình–Cảng Dung Quất.

Dự án đầu tư xây dựng đường Trì Bình – Cảng Dung Quất được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 29/4/2014 với tổng mức đầu tư là 1.503,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vượt thu, nguồn kết dư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi).

Trong đó, Ban quản lý các dự án đầu tư (thành lập tại Quyết định số 47/QĐ-BQL ngày 8/2/2010); Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật (thành lập tại Quyết định số 204/QQD-BQL ngày 28/8/2014) là các tổ chức được giao quản lý Dự án.

Từ tháng 7/2016 đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng được giao quản lý dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường Trì Bình – Cảng Dung Quất nhằm phục vụ cho quá trình đầu tư, xây dựng, hoạt động và phát triển khu kinh tế Dung Quất; Xây dựng và phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, các ngành công nghiệp nặng có quy mô lớn, các hoạt động đầu tư du lịch, thương mại, tài chính gắn với khai thác cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, đô thị Vạn Tưởng và đô thị Dốc Sỏi...
 

Thi công tuyến đường Trì Bình – cảng Dung Quất, đoạn qua địa bàn xã Bình Chánh - Hình ảnh ghi nhận vào năm 2019. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Nhiều sai sót trong việc chấp hành các quy định pháp luật đầu tư xây dựng

Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật đầu tư xây dựng.

Theo đó, về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, qua thanh tra cho thấy do nguồn lực ngân sách tỉnh còn hạn chế nên dẫn đến dù có nhu cầu thực hiện Dự án và đã phê duyệt nhưng không cân đối vốn triển khai được, phải dừng thực hiện trong 5 năm (tháng 12/2008 đến tháng 4/2014).

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư tại các lần điều chỉnh tăng so với lần đầu là do thay đổi giá nhân công, ca máy, vật tư thiết bị tại từng thời điểm phê duyệt và do điều chỉnh quy mô dự án theo quy hoạch điều chỉnh.

Về Công tác khảo sát, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Qua thanh tra cho thấy, công tác lập dự toán tính toán sau khối lượng, dẫn đến làm tăng giá trị dự toán với số tiền lên đến hơn 1,164 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác lập thiết kế, dự toán còn nhiều sai sót dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, xử lý kỹ thuật nhiều hạng mục công trình, tư vấn thiết kế tính toán xử lý lún, nền đất yếu dự báo lún không chính xác.

Các vi phạm, sai sót nêu trên là không đúng với quy định tại Điều 13 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

“Trách nhiệm thuộc về Chủ đầy tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn – CTCP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 và CTCP Tư vấn xây dựng 533”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.

Về Công tác nghiệm thu, thanh toán giá trị xây lắp, qua thanh tra cho thấy, ban quản lý dự án đã nghiệm thu, thanh toán tính tăng khối lượng bê tông mác 200 của hạng mục gia cố mái taluy cho nhà thầu thi công với số tiền là hơn 136 triệu đồng.

Tính tăng khối lượng với số tiền hơn 130 triệu đồng dẫn đến làm tăng giá trị hợp đồng đã ký kết, đến nay giá trị này chưa được nghiệm thu, thanh toán.

Kết luận thanh tra nêu rõ, trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án, Nhà thầu thi công CTCP xây dựng giao thông Quảng Ngãi, Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh, CTCP Tập đoàn Phúc Lộc.

Về việc tạm ứng giá trị xây lắp, tư vấn, Ban quản lý dự án chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá việc tạm ứng dẫn đến nay chưa thu hồi tạm ứng với số tiền là hơn 7,92 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp là hơn 7,14 tỷ đồng, giá trị tư vấn kiểm toàn là 783 triệu đồng là không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý dự án.

Riêng về việc xử lý đất yếu đoạn Km0+00 – Km0+904,32 của gói thầu số 18, lý trình từ Km0-Km1, qua thanh tra cho thấy công tác giám sát quan trắc lún không chặt chẽ trong quá trình thi công nên không phát hiện lún để dừng thi công, dừng đắp và có biện pháp xử lý lún kịp thời.

Khi phát hiện lún từ tháng 4/2019 mãi đến tháng 12/2020, Chủ đầu tư mới xin chủ trương bổ sung một số lỗ khoan khảo sát địa chất nền đất yếu để có cơ sở đề xuất phương án là chậm trễ trong xử lý các vấn đề phát sinh.

“Trách nhiệm chính thuộc về Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu thi công CTCP Tập đoàn Phúc Lộc, đơn vị tư vấn CTCP tư vấn xây dựng 533”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Về gói thầu thi công chậm tiến độ, qua thanh tra cho thấy việc thi công chậm tiến độ chủ yếu là do có sai sót, vi phạm.

Cụ thể, một số nội dung xử lý kỹ thuật chưa được triển khai kịp thời như Xử lý đất nền yếu tại Km0+00 – Km1+00 xuất hiện từ năm 2019 tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa ra giải pháp để xử lý, các hạng mục điều chỉnh đấu nối nút N1 với Quốc lộ mở rộng, xử lý cống vỉa hè tại nút giao N3, bổ sung cống thoát nước ra mương hở phục vụ thoát nước mưa cho khu vực bên trái tuyến tại ngã 6 vẫn chưa trình thủ tục pháp lý để thi công.

Thiết kế dự toán còn nhiều tồn tại và sai sót phải điều chỉnh nhiều lần, chưa kịp thời rà soát, cập nhật điều chỉnh dự toán để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Do còn vướng giải phóng mặt bằng trên đoạn tuyến nên nhà thầu không tập trung, chậm phối hợp, thi công cầm chừng dẫn đến chậm tiến độ.

Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu khắc phục những khó khăn để thi công hoàn thành dự án, chưa tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa phối hợp tốt với các ngành để sớm giải quyết các thủ tục đầu tư dự án.

Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn: CTCP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5 và CTCP tư vấn xây dựng 533, Nhà thầu thi công: Công ty TNHH MTV Chiêu Kỳ, CTCP Xây dựng Công trình Quảng Ngãi (gói thầu số 02); Công ty TNHH xây dựng Đồng Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (gói thầu số 20).

Khu kinh tế Dung Quất (Ảnh: Khoa học và đời sống)

Nhiều cơ quan làm việc thiếu trách nhiệm dẫn đến vướng mắc kéo dài

Về công tác thu hồi đất, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, qua thanh tra cho thấy theo 55 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được UBND huyện Bình Sơn phê duyệt với tổng số tiền là hơn 175,3 tỷ đồng, đã vượt so với dự toán được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 33,86 tỷ đồng nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh cơ cấu dự toán.

Chưa thực hiện đầy đủ thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng số tiền hơn 7,81 tỷ đồng theo quy định của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Có 2 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất đã rút kinh phí từ Kho bạc để chi trả nhưng sau thời gian 30 ngày vận động chi trả theo quy định, các hộ vẫn không nhận tiền nên Trung tâm đã gửi vào Ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn là 0,2%/năm, đến ngày 22/3/2019 và ngày 8/1/2021 Trung tâm mới chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước là không đúng quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Số tiền lãi gửi ngân hàng trong thời gian này phải nộp vào ngân sách.

Trung tâm phát triển Quỹ đất Dung Quất sử dụng nguồn kinh phí chi hỗ trợ trực tiếp cho dân để thực hiện thanh toán chi phí đo, vẽ, cắm mốc chỉnh lý bản đồ 1,185 tỷ đồng là đúng thực tế, nhưng không có trong phương án bồi thường được phê duyệt, chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh trước khi chi trả.

Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Trung tâm phát triển Quỹ đất Dung Quất.

Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, giao đất, bố trí tái định cư dự án Kết luận Thanh tra cho biết, Chủ đầu tư có công văn số 986/BQL-TNMT ngày 16/9/2014 gửi đến UBND huyện Bình Sơn đăng ký danh mục dự án thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2015 trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất, trong đó Dự án đường Trì Bình – Dung Quất có diện tích sử đụng dất 79,25 ha. Đến ngày 19/9/2014, Chủ đầu tư có Công văn số 1006/BQL-N+TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng không cung cấp thông tin, hồ sơ và đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất lúa của dự án.

Trong quá trình phối hợp, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Phòng Tai nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn đã thiếu trách nhiệm, sai sót trong thi hành công vụ, dẫn đến UBND huyện khu trình nhu cầu thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường khi thẩm định cũng thiếu chặt chẽ, dẫn đến tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch sử đụng đất năm 2015 đều chưa đăng ký chuyển mục đích đất lúa 9,5 ha.

Khi Dự án chưa thực hiện, việc điều chỉnh nút giao thống tuyến đường Trì Bình – Cảng Dung Quất thì diện tích đất lúa bị ảnh hưởng là 3,689 ha theo các phương án bồi thường được phê duyệt từ năm 2012 đến năm 2014. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh nút giao thông đầu tuyến tại công văn số 5021/UBND-CNXD vào tháng 10/2014, thì diện tích đất lúa bị ảnh hưởng thêm là 6,532 ha, nhưng Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND huyện Bình Sơn không phối hợp, rà soát tờ trình đề nghị bổ sung tăng tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng năm 2015 là 10,221 ha.

Đến năm 2016 và năm 2017, mặc dù đã có thông tin, số liệu đầy đủ, có căn cứ về diện tích đất lúa nhưng Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND huyện Bình Sơn tiếp tục thiếu trách nhiệm trong phối hợp, cung cấp thông tin không đúng, không có cơ sở, dẫn đến trình kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017 chỉ tiếp tục đăng ký chuyển mục đích đất lúa diện tích 9.5 ha.

Đến ngày 18/4/2018, Ban quản lý dự án mới có công văn số 134/ĐTXD đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất lúa diện tuchs 11,5 ha, UBND huyện Bình Sơn có công văn số 1081/UBND-TNMT ngày 7/5/2018 về việc thống nhất đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dung đụng đất lúa trên 10ha, nhưng không trình kèm hô sơ theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến kế hoạch sử đụng đất năm 2019 chỉ có xử lý chuyển tiếp 9,5 ha đất lúa từ năm 2017 chuyển sang mà vẫn không có cơ quan nào báo cáo, làm đầy đủ thủ tục để UBND tỉnh trình Thủ tướng.

Việc làm thiếu trách nhiệm của các cơ quan nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thủ tục chuyển mục đích đất lúa của Dự án vướng mắc kéo dài đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 Chủ đầu tư và UBND huyện Bình Sơn mới tổng hợp trình đúng, đầy đủ diện tích đất lúa dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định tham mưa UBND tỉnh trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích đất lúa và đã có 2 lần giải trình bổ sung thông tin theo yêu cầu của Tổng cục Quản lý đất đai, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, chưa đủ điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai Dự án.

Ngoài ra, thanh tra cho thấy Chủ đầu tư không lập dự toán khoản tiền bảo vệ phát triển đất lúa đối với phần diện tích lúa bị ảnh hưởng khi thu hồi để trình phê duyệt chúng trong tổng mức đầu tư dự án là không đúng quy định.

“Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện bình Sơn, UBND huyện Bình Sơn, Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trách nhiệm

Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010 và các quy định pháp luật có liên quan, xét tính chất và mưc độ sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý như sau.

Yêu cầu Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi lập thủ tục, hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải tái thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định pháp luật các nội dung gồm: Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Đường Trì Bình – Cảng Dung Quất (Giai đoạn 1); Đề xuất phương án xử lý lùn nền đường đoạn Km0 – Km1; Điều chỉnh, bổ sung thiết kế, tổng dự toán và cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án.

Đổng thời, tổ chức rà soát thực hiện dứt điểm các nội dung còn tồn đọng được nêu tại Kết luận Thanh tra số 448/KL-TTr ngày 19/10/2018 của Thanh tra Bộ Xây dựng và Báo cáo Kiếm toán nhà nước khu vực III theo Thông báo số 550/TB-KTNN ngày 9/11/2017 đối với dự án.

Chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư cây dựng, các phòng ban và các bên liên quan khắc phục những vi phạm và sai sót nêu trong phần kết luận thanh tra.

Trong đó Kiểm tra, đánh giá việc tạm ứng thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền để thu hồi tạm ứng của Nhà thầu xây lắp, tư vấn kiểm toán với số tiền hơn 7,927 tỷ đồng; Lập thủ tục theo quy định pháp luật để có căn cứ thực hiện chi cho công tác đo vẽ, cắm mốc chỉnh lý bản đồ với số tiền 1,185 tỷ đồng; Khẩn trương phối hợp với các Sở ngành, địa phương có liên quan giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặc bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án giai đoạn 1 và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 để đưa dự án vào khai thác có hiệu quả; Cùng với đó, căn cứ vào quyền vào nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng kinh tế đã ký kết để xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm của Nhà thầu, chuyển thông tin đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (nếu có).

Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất khắc phục những vi phạm và sai sót trong phần kết luật thanh tra.

Yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi để chủ động xem xét, giải quyết các nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền, hướng dẫn cho Chủ đầu tư xử lý các vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, kịp thời báo cáo trình UBND tỉnh xem xét những nội dung đúng thẩm quyền

Về xử lý kinh tế, trong quá tình thanh tra, thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi số tiền hơn 136 triệu đồng nghiệm thu, thanh toán tăng khối lượng. Đến nay Chủ đầu tư đã khắc phục nộp vào ngân sách nhà nước thông qua tài khoản tạm giũa của Thanh tra tỉnh. Yêu cầu Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chỉ đạo Ban Quản lý dự án không nghiệm thu, thanh toán quyết toán công trình với số tiền hơn 130,08 triệu đồng của khối lượng công việc lắp đặt dải phân cách, bê tông gia cố mái taluy.

Về xử lý trách nhiệm, Giao Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi căn cứ các nội dung thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra, xác định cá nhân (qua từng thời kỳ) của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu được phân công phụ trách, tổ chức kiểm điểm trong tập thể lãnh đạo và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm điểm thông qua Sở Nội vụ để tham mưa Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của lãnh đạo phòng, ban, đơn vị trực thuộc về các nội dung thiếu sót, sai phạm trong kết luận thanh tra, để xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân công chức, viên chức được giao nhiệm vụ có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật, trong đó phải xử lý nghiêm minh đối với các công chức, viên chức thiếu tinh thân trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ đã nêu.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm các cá nhân có liên quan trong công tác tham mưu, giải quyết thủ tục chuyển mục đích xử dụng đất lúa của dự án đã nêu.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/loat-vi-pham-duoc-chi-ra-tai-du-an-duong-tri-binh-cang-dung-quat-d169063.html