Lối sống “nghèo sang chảnh” của nhiều người trẻ hiện đại

03/04/2022 09:36

Kinhte&Xahoi Ước mơ có một cuộc sống đầy đủ, mua đồ “không cần nhìn giá” là mong muốn không phải của riêng ai, đặc biệt là với những người trẻ hiện đại. Đứng trước những cám dỗ vật chất, không ít người dù không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào nhưng lại thích làm màu bằng vẻ ngoài hào nhoáng, xa xỉ. Đó chính là cạm bẫy từ lối sống "nghèo sang chảnh" của giới trẻ hiện nay.

Nghèo nhưng phải “sang chảnh”

 “Nghèo nhưng phải sang chảnh”, cụm từ nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực chất đây là một lối sống khá phổ biến hiện nay của giới trẻ. “Nghèo sang chảnh” hay còn được hiểu là lối sống chạy theo vật chất, chi tiêu và đòi hỏi những thứ quá khả năng của bản thân.

Nhiều người trẻ hiện đại cho biết họ sẵn sàng mua những món đồ hiệu đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp, điện thoại đồ xa xỉ… trong khi những thứ đồ đó vượt qua thu nhập hàng tháng. Đối với họ, việc đó “đáng” đánh đổi để có được những lời tán thưởng, sự ghen tị của người ngoài hay đơn giản chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Chuyển lên sinh sống và học tập tại Hà Nội từ năm lớp 11, Trần Mạnh Quang (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng có những tháng ngày “hết mình” trước khi trở thành một con người điềm đạm như hiện tại. Rời xa vòng tay gia đình trong độ tuổi còn “nông nổi”, chàng trai trẻ đã không thể tránh khỏi vòng xoáy “đua đòi” từ bạn bè.

Mạnh Quang đã từng "sống hết mình" trước khi rơi vào những khoản nợ mà không có khả năng chi trả

"Khi học hết cấp 3 và bước chân vào cánh cổng đại học, mình đã “hưởng thụ” cuộc sống một cách "hết mình". Những gì mà mình làm hồi đó là các buổi cà phê sang chảnh rồi bữa ăn tiền triệu và cả nhiều món đồ hiệu để bằng bạn bằng bè... Trong khi đó, gia đình đang phải cố gắng từng ngày để tiết kiệm cho mình học trên đây. Thú thật là lúc đó chúng cũng đã đem lại cho mình sự thỏa mãn, nhưng chỉ thoáng qua, không có ý nghĩa gì cả", Quang chia sẻ.

Biến cố đến với Quang trong một lần trót hứa với bạn bè sẽ “làm một bữa ra trò” vào ngày sinh nhật của mình. Để có tiền mời bạn bè đi “ăn chơi”, Quang đã vay lãi bên ngoài. Buổi đi chơi đó đã khiến Quang có một khoản nợ bằng tiền học và sinh hoạt cả năm của anh tại Hà Nội. Khi rơi vào hoàn cảnh éo le, những người bạn “chí cốt” đó lại bỗng “mất tích”, Quang phải cầu cứu sự giúp đỡ từ gia đình.

"Mình chợt nhận ra rằng bản thân đã "giàu có" ở tuổi 26, nhưng là giàu kinh nghiệm và bài học rút ra từ chính những vấp ngã. Giàu bởi ý thức được việc phải tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả và tối ưu, không lãng phí. Nếu cứ mải chạy theo sự phù phiếm, cái giá phải trả đã có thế không chỉ là tiền bạc”, Quang bày tỏ.

Còn Vương Hải (24 tuổi, nhân viên marketing) thì cho biết đến hiện tại, chàng trai vẫn chưa trả xong khoản nợ từ việc mua điện thoại tặng bạn gái cũ. Mặc dù hiện tại cả hai đã chia tay nhưng vì lời hứa đã nói, Hải phải chấp nhận tích góp mỗi tháng để trả nốt khoản nợ của mình.

Thích làm màu bằng vẻ ngoài hào nhoáng, xa xỉ... dù không có gì trong tay chính là cạm bẫy từ lối sống "nghèo sang chảnh" của nhiều người trẻ hiện nay

“Lúc yêu nhau mình không nghĩ gì cả nhưng nhiều khi thấy người ta làm cái này, cái nọ cho bạn gái, mình cũng cảm thấy chạnh lòng. Vậy nên dù lương chưa cao, mình vẫn cố gắng thi thoảng đưa cô ấy tới những quán ăn “sang xịn” hơn một chút, tặng những món quà “nặng” hơn để cô ấy có thể vui.

Nhưng dần dà, tần suất các việc đó tăng lên, những ngày lễ lớn cũng liên tục. Đó là lúc mà mình không thể gánh nổi các khoản chi, phải trở thành con nợ của thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân. Đến giờ, thật may là mình đã trả gần hết, chỉ còn cần trả nốt chiếc điện thoại là xong. Nghĩ lại, khoảng thời gian vừa qua thật đáng sợ”, Vương Hải chia sẻ.

Đừng để nhận thức bị lệch lạc

 Trần Hải Yến (24 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, ai cũng có thể chọn một cuộc sống “sang chảnh” nhưng định nghĩa “sang chảnh” đối với mỗi người là khác nhau. Nó là sự phong phú, thỏa mãn và bình yên thực sự từ trong tâm hồn chứ không phải chỉ đơn giản khoác lên mình chiếc túi hàng hiệu, bộ cánh lộng lẫy hay đôi giày đắt tiền.

Với Hải Yến, sống "sang chảnh" là sự phong phú, thỏa mãn và bình yên thực sự từ trong tâm hồn chứ không phải chỉ đơn giản khoác lên mình chiếc túi hàng hiệu, bộ cánh lộng lẫy hay đôi giày đắt tiền

"Không ai có quyền đánh thế ước mơ. Việc mong muốn có một cuộc sống dư giả, đầy đủ là động lực phấn đấu của rất nhiều người nhưng cũng không khó để thấy nhiều bạn trẻ có suy nghĩ sai lệch, lầm lạc khi cho rằng chỉ khi khoác trên mình những bộ đồ hiệu, dùng những đồ dùng công nghệ đắt tiền mới được người khác công nhận.

Mình đã từng chứng kiến một người bạn đánh mất tất cả mọi thứ từ tiền bạc, gia đình và bạn bè chính từ lối tư duy đó. Không ít người trẻ hiện nay đang rơi vào vũng bùn từ việc lấy giá tiền của những món đồ, thương hiệu của những gì người khác mặc làm thước đo nhân cách, quy chuẩn con người", Hải Yến nói

Theo cô gái trẻ, sự lệch lạc trong nhận thức đó còn bắt nguồn ngay từ chính những thói quen thường ngày khi không ít người biện minh cho thói quen tiêu xài phung phí của mình với những lý do như "tuổi trẻ phải sống hết mình", "không mua bây giờ sẽ không còn cơ hội nữa"... Những lời biện minh đó lâu dần trở thành một lối sống độc hại biến không ít người trở nên mù quáng, thiếu khôn ngoan khi chi tiêu và trở thành người chuộng vật chất.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Giang cho rằng, con người nên có giấc mơ để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn nhưng đó không phải cái cớ để bạn bất chấp. Để bản thân được tôn trọng thật sự hãy khoác lên mình những giá trị thật chứ không phải bộ cánh hào nhoáng.

Để bản thân được tôn trọng thật sự, bạn trẻ hãy khoác lên mình những giá trị thật chứ không phải bộ cánh hào nhoáng

“Để có một cuộc sống tốt, bạn trẻ nên học cách tiết kiệm và quản lý tài chính thông minh, đó mới là điều làm nên giá trị cuộc sống. Đảm bảo sự vững vàng trong tài chính là điều hết sức quan trọng. Việc “chọn bạn để chơi, chọn nơi để gửi” cũng ảnh hưởng ít nhiều tới định hướng của mỗi người nên bạn trẻ cần làm chủ các mối quan hệ của mình.

Bên cạnh đó, tiết kiệm không có nghĩa bạn trở nên hà tiện với nhu cầu thiết yếu của bản thân. Hãy quản lý đồng tiền một cách thông minh để chất lượng cuộc sống nâng cao chứ không phải bồi đắp giá trị ảo”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.

 Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/loi-song-ngheo-sang-chanh-cua-nhieu-nguoi-tre-hien-dai-193221.html