Lợn chết vì bệnh tai xanh, người dân nghi ngờ trang trại bán lợn giống nhiễm bệnh
Kinhte&Xahoi
Cho rằng lợn chết chỉ xảy ra với con giống của trại Đại Thành Lộc người dân tiếp tục gửi đơn đến cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ.
Sau khi nhận được thông tin về tình hình bệnh tai xanh xảy ra tại các địa bàn như huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, đồng thời tiếp nhận đơn trình báo của các hộ nuôi, Chi cục Thú y Nghệ An đã vào cuộc kiểm tra.
Theo báo cáo, nguyên nhân xảy ra dịch là do nắng nóng kéo dài, lợn con 21 ngày tuổi bị sốc nhiệt, lợn được đưa từ trang trại chăn nuôi kín có hệ thống làm mắt nhiệt độ chuồng từ 28-30 độ về chuồng hở, mái lợp bằng tấm pro xi măng chiều cao của chuồng thấp, nhiệt độ chuồng bị hấp nhiệt làm cho lợn con bị kiệt sức, phù đầu, tai xanh…
Lợn giống được đưa về thì xảy ra hiện tượng bất thường rồi chết nhiều.
Trong quá trình vận chuyển, phương tiện dụng cụ không được tiêu độc, mầm bệnh tồn lưu lây lan sang đàn lợn con. Người chăn nuôi vội vàng tái đàn khi các điều kiện để đảm bảo an toàn sinh học chưa đáp ứng…
Cho rằng những nguyên nhân trên là không thuyết phục. Những hộ dân có lợn chết vì bệnh tai xanh gây thiệt hại nặng nề về kinh tế tiếp tục làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Trong đó người dân bày tỏ nhiều nghi vấn liên quan đến con giống. "Cụ thể, thời điểm giao lợn, con giống có triệu chứng tai bỏng tím, lợn đói, gầy. Ý kiến cho rằng mầm bệnh tai xanh xuất phát từ nắng nóng, thay đổi môi trường sống là không thuyết phục. Con giống được bắt các thời điểm khác nhau, dùng các xe vận chuyển khác nhau, về nuôi tại xác trại có vị trí cách xa nhau tại nhiều địa bàn như huyện Nam Đàn, huyện Tân Kỳ, huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa tại sao lại bị nhiễm chung một bệnh?
Trong khi đó điểm chung duy nhất của lợn khi bị chết là cùng bắt con giống tại trại lợn giống Đại Thành Lộc. Trước khi bắt lợn giống từ đây về tại các địa bàn trên vẫn chưa xảy ra dịch tai xanh" - một người dân nghi ngờ nêu trong Đơn.
Phiếu cân bắt heo có ghi rõ từng loại vaccine đã tiêm, trong đó có ký hiệu PRRS (bệnh tai xanh PRRS).
Ngay thời điểm sau khi được đưa về nuôi, lợn đã có biểu hiện sốt, bỏ ăn và chết ngày càng nhiều các hộ nuôi đã báo cho đại diện trại lợn giống tuy nhiên đại diện trại lợn giống chỉ báo sẽ cho kỹ thuật đến kiểm tra, nhưng sau đó vẫn không được kiểm tra. Trong khi đó lợn ngày một chết nhiều hơn. Đặc biệt tại sao trong phiếu giao lợn công ty xác nhận đã tiêm phòng tai xanh PRRS nhưng lợn chết đều nhiễm loại bệnh này?
Như Pháp luật Plus đã thông tin trước đó, các hộ nuôi lợn trên địa bàn huyện Nam Đàn, huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn xảy ra hiện tượng lợn chết nhiều. Trong đó một số trại tỷ lệ lợn chết từ 35 – 40 %, thậm chí có hộ nuôi tỷ lệ lợn chết đến 90 %. Lợn giống được bắt về khoảng 2 - 3 ngày thì bắt đầu có biểu hiện bất thường, sốt rồi lăn ra chết. Nghi do nhiễm bệnh tai xanh một trại đã đưa mẫu lợn chết đi kiểm tra thì kết quả dương tính với virus bệnh tai xanh PRRS.
Lợn giống xảy ra hiện tượng sốt, chết đều được các trại mua của công ty TNHH Đại Thành Lộc có địa chỉ tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Nghi ngờ chính những con giống khi bắt về đã nhiễm bệnh nên những chủ trại này đã có đơn trình báo gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị cung cấp lợn giống
Trong khi đó, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lại cho thấy lợn chết về bệnh tai xanh PRRS.
Tổng cộng trong các ngày 15, 17, 26/6 nhiều hộ dân, chủ trại đã mua 910 con giống tại công ty TNHH Đại Thành Lộc. Sau đó số lợn giống này được vận chuyển về nuôi tại các trại ở huyện Nam Đàn, huyện Tân Kỳ, huyện Nghĩa Đàn. Chỉ ít ngày sau số con giống này bắt đầu chết. Dù đã nhiều lần báo với đơn vị cung cấp con giống nhưng đại diện công ty TNHH Đại Thành Lộc lại không nhận trách nhiệm.
Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành Lộc xác nhận đã nhận được phản ánh của các hộ chăn nuôi về tình trạng lợn chết, ông Hòa cũng cho biết, cần xác định rõ nguồn gốc ở đâu, do khách quan hay chủ quan, hệ thống trang trại chăn nuôi như thế nào, bao gồm nhiều yếu tố. Khi lợn giống được sinh ra đến lúc xuất chuồng cũng được thực hiện quy trình tiêm vắc xin phòng các loại dịch, bệnh theo yêu cầu của công ty.
Hiện tại các chủ trại đang tiếp tục làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ.
Trong phiếu cân bắt heo con được lập vào ngày 15/6 với tổng cộng 500 con lợn giống, trọng lượng bình quân 7,76 kg/con trong đó có phần bút phê của đại điện đơn vị bán con giống ghi các loại vaccine đã tiêm gồm có 4 lại. Tại đây có ký hiệu PRRS (virus bệnh tai xanh PRRS) được chú thích tiêm vào ngày 30/5 tức là trước nửa tháng khi xuất bán. Sau khi sự việc được trình báo cơ quan chức năng đã về lấy mẫu để xét nghiệm đến thời điểm hiện tại các mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả dương tính với virus bệnh tai xanh PRRS.
Quang Phong - Pháp luật Plus