Lộn xộn tầng 1 chung cư: Từ hàng trà đá cho đến quán bia, nhà hàng lớn

29/11/2022 15:44

Kinhte&Xahoi Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, ngày càng nhiều chung cư được mọc lên, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tại Thủ đô, không ít bất cập xảy ra trong quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này.

Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị tại các tòa nhà chung cư. Dù vậy, vì nhiều nguyên nhân, vẫn có không ít trường hợp “biến tướng” xấu xí vẫn đang tồn tại, gây bức xúc cho cư dân.
 
Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải nhận diện rõ nguyên nhân, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư để từ đó khắc phục bất cập hiện nay.


Chỉ cần dạo một vòng quanh các khu vực nhiều nhà chung cư tại Hà Nội như ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Dịch Vọng Hậu, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Văn Khê (quận Hà Đông)… có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quán xá, cửa hàng mọc lên quanh các tòa chung cư, kéo dài từ tầng 1 ra đến tận ngoài vỉa hè, thậm chí có nơi lấn ra cả đường đi.

Tầng 1 của tòa nhà CT1 khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông được tận dung diện tích để kinh doanh quán bia, lẩu nướng.

Theo ghi nhận của phóng viên, dưới chân các tòa nhà N06B1 –B2, N08 của Khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) đang tồn tại các tổ hợp kinh doanh buôn bán tấp nập, lộn xộn với đủ chủng loại, từ trà đá, hoa quả đến cơm, phở, cà phê... Đường nội bộ chật kín ô tô, xe máy hai bên đường và vỉa hè.

Hay tại khu vực khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông), hàng loạt dãy nhà như CT1, CT2 đang mọc lên các quán bia, nhà hàng, quán nướng…hàng ngày tấp nập người ra vào, chiếm trọn một diện tích lớn tại tầng 1 của tòa nhà.

Hiện tượng trên khá phổ biến ở các khu chung cư, tạo nên những hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác, phản cảm cho bộ mặt các chung cư nói riêng và cảnh quan đô thị Hà Nội nói chung.

Một hiện tượng khác diễn ra phổ biến đó là việc một số chung cư tái định cư đã tận dụng những phần diện tại tầng 1 để cho thuê, kinh doanh... mặc dù vào năm 2020, UBND Hà Nội từng có công văn yêu cầu các xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 tại các chung cư tái định cần có trách nhiệm quản lý theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Một diện tích nhỏ nằm tại góc tường tầng 1 tòa nhà tái định cư B10C Nam Trung Yên được biến thành cửa hàng sửa xe.

Đơn cử như tại khu nhà tái định cư Nam Trung Yên, theo ghi nhận của phóng viên, cứ vào khoảng 7h00 sáng, 11h trưa và 17h00 chiều… hàng loạt hàng quán lại xuất hiện ở quanh khu vực tầng 1 được bày ra, lấn chiếm xuống cả khu vực lòng đường, vỉa hè gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các cư dân.

Thậm chí, theo ghi nhận của phóng viên thì ngay cả những phần diện tích rất nhỏ, nằm ở trong góc chung cư tại khu vực tòa nhà B10C Nam Trung Yên cũng có thể được cho thuê làm cửa hàng, hàng sửa chữa xe…

Tại  tòa nha E3A, số 7 Vũ Phạm Hàm, tầng 1 biến thành một quán bia quy mô, xe cộ để chắn lối đi lại của cư dân.

Không chỉ dừng lại ở những ki ốt nhỏ, những quán ăn, tiệm sửa xe, hàng trà đá…khu vực tầng 1 của các nhà chung cư đôi khi còn biến thành một nhà hàng hay quán bia có quy mô lớn, người ra người vào tấp nập..

Đơn cử như tại tầng 1 chung cư E3 (phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy) hiện đang được quán bia Hải Hói thuê sử dụng mục đích kinh doanh.

Có thể dễ dàng quan sát thấy, quán bia này đã chiếm trọn 1 mặt của chung cư để kinh doanh, hàng ngày đón một lượng khách tấp nập ra vào, thường xuyên hoạt động gây ồn ào và để xe lấn chiếm vỉa hè và lối đi lại của cư dân.

Hoạt động buôn bán gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ…

Tương tự, tại CT1 và CT2 khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông), một loạt quán bia hơi, quán nướng… cũng chiếm trọn diện tích tầng 1 của các tòa nhà này.

Quán bia, nhà hàng mọc lên ngay dưới tầng 1 của tòa nhà CT2, Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông.

Một trong những điều khiến cư dân cảm thấy lo ngại đó là về an toàn cháy nổ khi sử dụng tầng 1 để kinh doanh. Cụ thể, hàng quán có sơ chế đồ ăn, nấu nướng và dùng nhiều đèn dây điện, dây đèn chằng chịt. Vì vậy, những hộ dân sinh sống tại các tầng trên rất lo lắng về vấn đề hỏa hoạn, cháy nổ tại chung cư.

Bà H. – Cư dân tại CT2 khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Quán bia hoạt động dưới tầng 1 tòa nhà, hàng ngày tấp nập người ra vào, gây ồn ảo, khiến người dân thấy rất mệt mỏi, trong khi tầng 1 hay xung quanh tòa nhà đáng lý ra có thể là chỗ sinh hoạt của người dân, chưa kể nguy cơ về cháy nổ là có thể xảy ra”.


Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.135 cụm, tòa nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng.

Sự phát triển nhanh chóng của các khu chung cư cao tầng kéo theo nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, không ít các chung cư phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình quản lý.

Không ít lần, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt để xử lý các sai phạm, nhưng cũng vấp phải không ít những khó khăn.

Tại toà nhà N01 Láng Thượng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ nhièu năm nay.

Đơn cử như trong phiên chất vấn tại HĐND TP Hà Nội diễn ra vào tháng 7/2022 vừa qua, vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dung diện tích tầng 1 tại các tòa chung cư lại được “làm nóng” với hàng loạt câu hỏi chất vấn đến từ các đại biểu.

Trả lời một trong những nội dung được cử tri kiến nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, về 700m2 đang sử dụng sai tại 17T10 Trung Hòa Nhân Chính (quận Cầu Giấy) và N01 Láng Thượng (quận Đống Đa) hiện cơ quan chức năng đã thiết lập hồ sơ trình UBND TP quyết định thu hồi 2 trường hợp này.

Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Công ty, UBND quận Đống Đa, UBND quận Cầu Giấy để triển khai công tác thu hồi.

Tuy nhiên việc thu hồi đang gặp khó khăn, vì vậy Sở đang thiết lập hồ sơ trình UBND TP để ra quyết định cưỡng chế thu hồi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại toà nhà N01 Láng Thượng (số 84 Chùa Láng, quận Đống Đa), toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ năm 2016. Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này. Đây là sự lãng phí rất lớn.

Thông tin theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, về diện tích 15 nghìn m3 tầng 1 nhà tái định cư đang để trống được hình thành từ qua công tác đấu giá thuê tầng 1 của chung cư tái định cư không thành công (khoảng 4.800m2). Ngoài ra, quỹ đất này còn hình thành từ việc thu hồi tại 28 điểm vi phạm (khoảng 5.500m2); thu hồi từ 13 vị trí nhà chung cư có vi phạm (không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích).

Vừa qua, các diện tích tầng 1 này có 118 điểm, trong đó có 66 điểm đang cho thuê ổn định. Để xác định giá cho thuê, bao giờ sắp kết thúc hợp đồng thì sẽ xác định giá để thực hiện đấu thầu cho thuê cho giai đoạn tiếp theo. Còn 52 trường hợp còn lại, TP đã ban hành giá cho thuê để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn đơn vị thuê theo đúng quy định. 

Do đó, để giải quyết tình trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cần có những đơn vị quản lý, vận hành chung cư chuyên nghiệp, thực sự bảo vệ lợi ích của cư dân… Đây mới là biện pháp lâu dài, mang tính đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ về vấn đề này cho biết: "Việc vận hành tòa nhà phải cần đơn vị chuyên nghiệp, có kiến thức đảm trách, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân. Chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cũng cần nắm rõ quy trình, gắn trách nhiệm trong quá trình vận hành chung cư.

Việc xây tường bao quanh, tạo sân chơi, ghế đá... nhằm bảo vệ không gian sống cho cư dân cũng có thể được sử dụng. Đây cũng là một biện pháp ngăn chặn hành vi chiếm dụng diện tích”, vị chuyện gia chia sẻ thêm.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều nội dung khắc phục những tồn tại. Trong đó, nổi bật là việc phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá tình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Đồng thời, phải chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

Tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư nói chung, công tác phòng cháy chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vi phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định củả pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân...

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/lon-xon-nhu-tang-1-chung-cu-tu-hang-tra-da-cho-den-quan-bia-nha-hang-lon-d187107.html