Lớp học đặc biệt của “ngoại Thủy”: Dạy chữ, dạy làm người

19/11/2022 16:34

Kinhte&Xahoi Gần 10 năm qua, lớp học của “ngoại Thủy” không chỉ mang con chữ đến với rất nhiều trẻ em nghèo, cơ nhỡ mà còn dạy các em cách làm người, tránh xa tệ nạn xã hội.

Từng theo học sư phạm nhưng chưa kịp theo đuổi ước mơ gieo chữ thì tai nạn ập tới khiến đôi chân của bà Trần Thị Thanh Thủy (66 tuổi, Khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP HCM) đi lại khó khăn, bà đành gác lại chuyện học hành. Một thời gian sau, khi lập gia đình, bà Thủy chuyển nhà đến phường Bình Trưng Đông sinh sống, tại đây, bà bén duyên với công tác khu phố. Khi mới làm phó ban điều hành khu phố, bà bắt đầu tìm hiểu cuộc sống người dân và biết được trong khu phố có rất nhiều trẻ em không biết chữ đa phần là con của các gia đình nhập cư nghèo, không có giấy tờ, không có việc làm ổn định, nhiều đứa trẻ phải lấy đồ cúng, trái cây ở nghĩa trang để ăn.

"Đây là khu nghĩa trang, hình thành từ trước năm 1975. Đa phần các gia đình tại đây là dân nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, không có giấy tờ, không có việc làm ổn định, con cái không được học hành đầy đủ vì phải cùng ba mẹ mưu sinh, đặc biệt các con rất dễ bị lôi kéo và rơi vào tệ nạn xã hội. Tôi còn từng thấy các con phải lấy đồ cúng, trái cây ở nghĩa trang để ăn", bà Thủy kể.

"Ngoại Thủy" dạy chữ cho các em trong một buổi học ở lớp học tình thương.

Xuất phát từ tình yêu thương, năm 2013, bà Thủy cùng với ban lãnh đạo Khu phố 5 thành lập lớp học tình thương dạy chữ cho các em không được đến trường học. Bà Thủy đã tìm đến từng hộ gia đình thuyết phục cho các em đi học rồi tự tay cắt tóc, tắm rửa, đi xin tập vở, quần áo cho các em. Từ 10 học sinh năm 2013, đến nay, lớp học thường xuyên có 40 - 50 em khiến bà Thủy phải cùng các thành viên trong ban điều hành thành lập bếp ăn và lớp học tình thương ngay tại trụ sở.

“Muốn tụi nhỏ chăm học thì phải cho chúng ăn no và đầy đủ chất mới được”, bà Thủy nói.

Được biết, lớp hoạt động từ 16h30 đến 18h hằng ngày, học sinh chưa biết đọc, viết sẽ tham gia lớp vỡ lòng vào thứ hai, tư, sáu, còn thứ ba, năm, bảy dành cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 10. Những bé có học lực tốt, bà Thủy sẽ xin học bổng ở các trường cấp I, cấp II, cấp III trên địa bàn phường để các em tiếp tục học trong trường, một số em khi đã đủ tuổi lao động, bà Thủy sẽ sắp xếp cho đi học nghề rồi xin việc làm để các em có thể kiếm tiền tự nuôi sống bản thân. Không chỉ lo cho các em, bà Thủy còn giúp cha mẹ các em tìm việc làm, có phương tiện đi lại để kiếm kế sinh nhai.

"Ở đây không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho các em hiểu cách đối nhân xử thế, sống sao cho thành người lương thiện, giúp các em biết thế nào là tệ nạn xã hội để còn tránh xa", bà Thủy tâm sự.

Với bà Thủy, đây không chỉ là lớp học dạy cho các em biết đọc, biết viết mà còn dạy các em cách làm người.

Từ khi thành lập lớp học tình thương đến nay, hàng trăm đứa trẻ nghèo không biết chữ nay đã biết đọc, biết viết. Dù được dạy chữ, dạy làm người nhưng không đứa trẻ nào gọi bà Thủy là cô giáo, bởi với các em 2 chữ “ngoại Thủy” vừa thể hiện sự kính trọng vừa thể hiện tình yêu thương, thân thuộc dành cho “ngoại”.

Dù đã giúp được rất nhiều các em nhỏ khó khăn nhưng bà Trần Thị Thanh Thủy vẫn còn nhiều nỗi niềm đau đáu khi muốn được giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn.

“Tôi vẫn nhớ có gia đình kia vì nghèo quá nên họ phải đi nơi khác làm ăn. Gia đình đó có hai bé theo học tại đây, khi cha mẹ đi các con đòi ở lại với ngoại, tuy nhiên lớp lại không có đủ khả năng chăm nuôi cho các em. Đến giờ, hai đứa thỉnh thoảng vẫn gọi về hỏi thăm ngoại, hẹn ngày trở về”, bà Thủy tâm sự.

Bà Thủy vẫn miệt mài dạy chữ cho các em dù tuổi đã cao.

Biết được lớp học ý nghĩa này, nhiều sinh viên ở các trường trên địa bàn cũng chủ động tìm đến làm tình nguyện viên dạy các em nhỏ. Bà Thủy hy vọng sắp tới lớp sẽ có được giáo viên chuyên môn kèm các em khi bà không còn đủ sức.

Hồng Ngọc - Hiếu Nguyễn - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/lop-hoc-dac-biet-cua-ngoai-thuy-day-chu-day-lam-nguoi-d186829.html