Luật phòng, chống rửa tiền phải đảm bảo yêu cầu quốc tế và chống tham nhũng

24/10/2022 19:41

Kinhte&Xahoi Chiều 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Linh hoạt các hình thức tổ chức kỳ họp

 Phát biểu tại tổ đại biểu Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Luật phòng chống rửa tiền và Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời cho rằng, dự thảo các luật đã được tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu, thể chế hoá nhiều nội dung, cải tiến đổi mới.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết về kỳ họp Quốc hội cần tính toán kỹ hơn về thời gian họp. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, theo đó bên cạnh quy định cứng số liệu kỳ họp, có thể tổ chức kỳ họp thành các đợt nhằm tạo điều kiện cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy thảo luận tại tổ

Liên quan đến quy định này, một số đại biểu đề nghị không nên chỉ quy định hình thức kỳ họp trực tuyến kết hợp trực tiếp mà cần linh hoạt các hình thức tổ chức kỳ họp.

Về kỳ họp bất thường quy định tại khoản 2, Điều 1 quy định: “Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”; Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”. Đại biểu lý giải, có những nội dung định kỳ nhưng ở từng thời điểm khác nhau lại cần thiết và cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp bất thường để đáp ứng yêu cầu thực tế đất nước.

Góp ý về cách thức thông báo vắng mặt, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quy trình để đại biểu thực hiện quy củ nhưng cũng cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ chiều 24/10

Về thủ tục thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 46, có ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định quy trình này một cách phù hợp hơn theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, không nên giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, nội quy kỳ họp đã được Quốc hội ban hành 7 năm, đến nay đã bộc lộ những bất cập. Tại điều 16 khoản 2, về đại biểu Quốc hội tranh luận, ông cho rằng, nhiều đại biểu cũng chưa thực hiện đúng bản chất của việc tranh luận, đề nghị biên tập cho rõ nội hàm tranh luận của đại biểu.

Luật phòng, chống rửa tiền phải đáp ứng tối thiểu 2 yêu cầu

 Góp ý vào dự án Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, Luật phòng chống rửa tiền đáp ứng được các mục tiêu về phòng chống tham nhũng và cần thiết phải sửa đổi Luật phòng chống rửa tiền cho phù hợp thực tế hiện nay.

Đại biểu Tạ Đình Thi góp ý, cần xem xét tính hợp lý trong quy định bảo đảm phòng, chống rửa tiền để không tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân hàng, giảm tiến độ giao dịch kinh doanh đặc biệt trên môi trường mạng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai phát biểu

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội tổng hợp nội dung thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao 6 ý kiến thảo luận rất trúng trọng tâm, trọng điểm của phiên thảo luận.

Về nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi nội quy, trong đó nhiều nội dung được cập nhật mới; Đồng thời, đề nghị nên trao lại quyền quyết định nội dung kỳ họp bất thường cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không nên quy định cứng là kỳ họp bất thường không xem xét các nội dung của kỳ họp thường lệ.

Đại biểu Mai cũng quan tâm đến tài liệu mật, tài liệu thu hồi trong phục vụ ĐBQH tại kỳ họp, đề nghị làm rõ từng số liệu nào mật, số liệu nào không mật, không nên để toàn bộ tài liệu là mật; Góp ý đối với hình thức tổ chức kỳ họp trực tiếp kết hợp trực tuyến; Sự điều hành của chủ toạ và thời gian đại biểu phát biểu; Việc xin nghỉ của đại biểu cần linh hoạt hơn,…

Về Luật phòng chống rửa tiền, đại biểu Mai khẳng định sự cần thiết nhưng Luật phải đáp ứng 2 yêu cầu tối thiểu là đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai, phòng chống rửa tiền không chỉ trong nước và còn cả trong hợp tác quốc tế, do đó đại biểu đề nghị quan điểm là giữ nguyên một chương về hợp tác quốc tế trong Luật.

Với Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị không áp dụng hồi tố và đề nghị Chính phủ cam kết thời điểm trình sửa Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, đảm bảo sự đồng bộ giữa luật và quy định của Đảng về công tác này.

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/luat-phong-chong-rua-tien-phai-dam-bao-yeu-cau-quoc-te-va-chong-tham-nhung-208726.html