Luật Quản lý thuế (sửa đổi) số 38/2019/QH14 có nhiều điểm mới trên mọi lĩnh vực quản lý thuế. Trong đó, những quy định mới về các thủ tục hành chính thuế thể hiện rõ nét việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách nền hành chính để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
Một trong những điểm mới quan trọng nhất là việc bổ sung riêng một điều quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Điều 8). Theo đó, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với người nộp thuế đủ điều kiện. Đồng thời, khẳng định nguyên tắc đã giao dịch điện tử thì không phải thực hiện các hình thức giao dịch khác, không phải sử dụng chứng từ giấy; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong tổ chức hệ thống thông tin điện tử; bổ sung quyền của người nộp thuế được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan; bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật… Quy định mới này giúp tận dụng tối đa thành tựu công nghệ thông tin hiện đại vào việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục hành chính thuế. Từ đó, giúp giảm chi phí in ấn hồ sơ, chứng từ; giảm chi phí đi lại giao dịch; giảm chi phí lưu trữ hồ sơ giấy; đồng thời, lại đảm bảo các giao dịch về thủ tục thuế được nhanh chóng, thuận lợi và có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần.
Bổ sung quy định để làm rõ hơn các thủ tục về đăng ký thuế
Luật Quản lý thuế hiện hành mới chỉ quy định nguyên tắc về đối tượng, thời hạn, hồ sơ, địa điểm, thay đổi thông tin đăng ký thuế và cấp mã số thuế. Để tránh việc nhiều người hiểu đăng ký thuế chỉ là việc cấp mã số cho người nộp thuế, Luật Quản lý thuế mới đã quy định làm rõ việc đăng ký thuế bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế, đăng ký tạm ngừng kinh doanh, đăng ký khôi phục tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, đăng ký chấm dứt hiệu lực mã số thuế, đăng ký khôi phục mã số thuế… Đồng thời, đã quy định để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế trong các khâu trên theo nguyên tắc: (i) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh thì thực hiện theo qui định pháp luật về đăng ký kinh doanh; (ii) Những trường hợp còn lại thì người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm các tổ chức cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế và các cá nhân làm công ăn lương ủy quyền đăng ký thuế qua cơ quan chi trả thu nhập.
Sửa đổi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Luật Quản lý thuế mới có những thay đổi chủ yếu sau về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
Một là, sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo hướng kéo dài thêm 1 tháng so với hiện nay. Theo đó, thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Theo quy định hiện hành, cá nhân có duy nhất một nguồn thu nhập thì thực hiện khấu trừ tại nguồn và uỷ quyền quyết toán qua tổ chức chi trả. Đối với cá nhân có từ hai nguồn thu nhập trở lên thì phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn. Qua quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập trong việc khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là do cá nhân thường không tự ghi chép đầy đủ thu nhập mà phụ thuộc vào thông tin cung cấp từ các cơ quan chi trả thu nhập nên thường xác định không chính xác hoặc không đầy đủ khi kê khai quyết toán thuế. Vì lẽ đó, việc kéo dài thêm 1 tháng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp người nộp thuế có thêm thời gian để tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế thu nhập cá nhân.
Hai là, sửa đổi thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm (trừ trường hợp quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế). Theo đó, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm được quy định chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Quy định mới này tuy về thực chất không kéo dài thêm hay cắt giảm đi so với quy định hiện hành, song dễ nhớ và dễ thực hiện hơn. Theo quy định hiện hành, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Điều này buộc người nộp thuế phải đếm thời gian để xác định thời hạn nộp hồ sơ nên có thể bị nhầm lẫn hoặc quên việc tính ngày của năm nhuận tháng hai trong trường hợp năm tính thuế là năm dương lịch.
Ba là, sửa đổi quy định về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật thuế (quyết định cưỡng chế nợ thuế, thông báo nợ thuế, quyết định xử lý vi phạm về thuế...) theo nguyên tắc các khoản có hạn nộp xa nhất được thanh toán trước, qua đó, tránh phát sinh tiền chậm nộp cho người nộp thuế.
Bốn là, theo quy định hiện hành, khi người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp bị sai sót, nhầm lẫn thì được khai bổ sung điều chỉnh nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Luật mới vẫn giữ ràng buộc “trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế” song bổ sung thêm giới hạn việc khai bổ sung, điều chỉnh chỉ được thực hiện trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế trong việc rà soát hồ sơ khai thuế khi xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và cũng phù hợp với thời hạn truy thu thuế trong Luật Quản lý thuế.
Năm là, luật hóa trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm hoặc cơ quan hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu. Quy định này giúp minh bạch hóa thủ tục nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính thuế khác
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định hoàn theo các loại thuế như Luật thuế Luật thuế như xuất nhập khẩu, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật thuế khác. Trên thực tế việc quy định cụ thể hoàn thuế theo từng sắc thuế không bao quát hết các trường hợp hoàn theo các chính sách thuế và hoàn trả tiền nộp thừa. Để bảo đảm tính khái quát về trường hợp hoàn thuế, phù hợp với thực tế phát sinh, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định hoàn thuế theo hai trường hợp được hoàn thuế: (i) Hoàn theo quy định của pháp luật về thuế (theo quy định của từng sắc thuế); và (ii) Hoàn trả tiền nộp thừa đối với trường hợp người nộp thuế có số tiền đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số phải nộp ngân sách nhà nước.
Về xử lý vi phạm hành chính thuế, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bổ sung quy định người nộp thuế sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Quy định này tránh trường hợp người nộp thuế vừa bị xử phạt về thuế, vừa bị xử phạt về hóa đơn khi thực hiện một hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Tóm lại, những quy định mới sửa đổi, bổ sung về quản lý thuế tập trung chủ yếu vào ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế; bổ sung làm rõ hơn các thủ tục về đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực thi các thủ tục thuế hiện hành và minh bạch hóa các quy định pháp luật thuế. Chắc chắn rằng, khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực sẽ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục thuế nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí tuân thủ; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển./.
PGS.TS Lê Xuân Trường