Giải quyết việc làm cho người cao tuổi là một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dangcongsan.vn)
Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số), dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Hiện phần lớn người cao tuổi nước ta đang có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Đồng thời, người cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, chỉ có tập trung vào vài công việc như bảo vệ, giúp việc, lao công...
Dẫn đến thực trạng này có nhiều nguyên do, đó là người cao tuổi vẫn chưa có điều kiện trang bị được các kĩ năng để thay đổi công việc sau khi về hưu, hoặc vẫn có sự phân biệt, kì thị, thiếu hỗ trợ đối với người cao tuổi. Một lý do quan trọng khác là các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng người cao tuổi vẫn chưa được hình thành.
Trên thực tế, đối với một người, khi chuyển từ giai đoạn lao động sang giai đoạn về hưu sẽ có rất nhiều thay đổi, từ việc giảm sút thu nhập đáng kể cho đến “sốc tâm lý” khi thay đổi môi trường sống. Cộng với đó, nếu không có sự xác định tốt, người cao tuổi còn dễ dẫn đến các cảm giác như mặc cảm khi thấy mình thừa thãi, không còn cần thiết cho xã hội, sự mất kết nối với bạn bè, đồng nghiệp... Một thống kê từ tạp chí y khoa Mỹ cho thấy, người cao tuổi khi về hưu không có công việc để làm dễ dẫn đến các bệnh như thoái hóa não bộ, suy giảm trí nhớ, các căn bệnh về thần kinh, mất ngủ...
Một số quốc gia có dân số đang già hóa tốc độ nhanh những năm qua đã có nhiều bước chuẩn bị tích cực cho người cao tuổi. Như tại Singapore đã có chương trình quốc gia Live Well, Age Well, đặt mục tiêu cải thiện và duy trì sức khỏe cho 550.000 người từ 50 tuổi trở lên trong vòng 5 năm. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là hỗ trợ người cao tuổi có việc làm, duy trì sự kết nối, tương tác với xã hội. Có một khoản trợ cấp và chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ việc tuyển dụng lao động người cao tuổi, giúp họ có thời gian làm việc lâu hơn, tự bảo đảm đời sống những năm cuối đời.
Tại Nhật Bản, các chương trình hỗ trợ lao động cho người cao tuổi cũng đã được triển khai nhiều năm qua. Theo thống kê, số lượng các công ty thay đổi chính sách cho phép tuyển dụng người trên 70 tuổi đã đạt mức 50.000 vào năm 2020. Ước tính, Nhật Bản hiện có khoảng 675.000 người trên 70 tuổi đang có việc làm, gấp đôi so với 4 năm trước.
Tại Việt Nam, cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), ở nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, đã đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi (để chuẩn bị bước sang giai đoạn cao tuổi); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc bảo đảm sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.
Với tiến trình già hóa dân số nhanh như hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy thị trường lao động cho người lớn tuổi đã trở nên khá cấp thiết. Bởi, vấn đề việc làm không chỉ là sinh kế mà còn là đáp ứng nhu cầu được lao động, được hòa nhập xã hội, được cống hiến sức lực của người cao tuổi. Đó cũng chính là một trong những “thước đo” của một xã hội văn minh, nghĩa tình.
N. Mai - Pháp luật Plus