Lực lượng Công an "vì nhân dân phục vụ" nơi tuyến đầu chống dịch
Kinhte&Xahoi
Khi mà dịch Covid-19 đang lan nhanh và có những diễn biến khó lường trên khắp thế giới thì bất cứ ai, người thi hành công vụ, hay mọi người dân đều phải chịu chung một áp lực không hề nhỏ - đó là sự an toàn cho mình và người thân. Thế nhưng, những người làm nhiệm vụ chống dịch ở các cửa khẩu, sân bay - họ đang phải chịu một áp lực kép - đó đương nhiên là những thử thách chẳng mấy dễ chịu.
Một buổi sáng sớm, chuông điện thoại của tôi đổ dồn, đầu dây bên kia gấp gáp: “Ông ơi, ông có kết nối được nguồn khẩu trang nào không, đơn vị của tôi khan khẩu trang quá. Chúng tôi làm nhiệm vụ hậu cần phải đi tìm nguồn”. Đó là cuộc điện thoại của một người bạn thân, chị đang công tác tại Đồn công an cửa khẩu Nội Bài, nghĩ tôi là nhà báo có nhiều nguồn thông tin để hỏi về khẩu trang. Tôi đã giới thiệu cho bạn mình những địa chỉ tin cậy để có thể tìm được nguồn khẩu trang. Độ 30 phút sau, bạn tôi lại gọi: “Ông ơi, ông tìm nguồn khác cho tôi với, chỗ ông giới thiệu họ nói giá cao quá, lực lượng vũ trang chúng tôi không có nguồn kinh phí để thanh toán được với giá cao như vậy”. Trước khi cúp máy bạn tôi còn dặn dò “nhớ để ý tìm nguồn khẩu trang cho chúng tôi nhé!”.
Công an cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài yêu cầu hành khách phải xuất trình tờ khai y tế đã đóng dấu kiểm tra y tế khi làm thủ tục nhập cảnh.
Tôi đương nhiên hiểu rằng, những người làm nhiệm vụ ở cửa khẩu vẫn được trang bị khẩu trang hay nước rửa tay, để phòng dịch theo quy định. Nhưng vẫn có tình huống ngoài quy định, họ muốn an toàn phải dự phòng thêm cho bản thân và đơn vị của mình, bằng cách tìm kiếm những nguồn cung dồi dào khác. Đó là sự lo lắng chính đáng, sẻ chia với những khó khăn khi cả xã hội với quy định Nhà nước, trong lúc thực tế và yêu cầu sử dụng có khẩu trang có thể tăng cao hơn. Nhưng khẩu trang cũng chỉ là một vấn đề rất nhỏ mà những cán bộ chiến sĩ công an thực thi nhiệm vụ tại cửa khẩu phải bắt buộc tuân thủ. Ai cũng biết còn nhiều thứ vô hình khác mà trong mùa dịch bệnh này không thể lường trước được.
Mấy hôm trước, nhiều người trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài hơn 7 phút ghi lại hình ảnh một số người từ nước ngoài trở về Việt Nam tránh dịch đã “quây” một cán bộ công an tại sân bay Nội Bài, để gây áp lực với những lý lẽ và đòi hỏi cực kỳ vô lý. Mà nguyên nhân chính là họ đòi được tự do về nơi mình ở, bất tuân theo những quy định chống dịch hiện hành.
Người bình thường nhất khi xem clip và về cách ứng xử của những công dân khi mới đặt chân về sân bay, đều tỏ thái độ cảm thông và nể phục thái độ ứng xử bình tĩnh, mềm dẻo và rất đúng nguyên tắc của cán bộ công an trong clip mà ai đó đã ghi hình và đưa lên mạng xã hội. Theo dõi nội dung clip và thái độ của người thực thi nhiệm vụ, chúng ta chẳng cần đặt địa vị mình vào đó cũng đủ hiểu áp lực mà người làm nhiệm vụ đang phải đương đầu lớn đến mức nào (!).
Những trang bị bảo hộ nhằm bảo vệ lực lượng an ninh cửa khẩu hiện nay chỉ có khẩu trang, găng tay, ngoài ra họ cũng chưa được trang bị những gì hơn nữa. Họ không phải nhân viên y tế, nhưng lại là những người đầu tiên tiếp xúc với người nhập cảnh, và trong số đó cũng có rất nhiều người đến hoặc trở về từ vùng dịch.
Với những gì thông tin tôi nắm được, lực lượng an ninh cửa khẩu có nhiều kíp trực phải tự cách ly tại đơn vị, đồng đội tự chăm nhau, sau khi làm việc với những chuyến bay mà danh sách bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phát hiện. Đa số cán bộ chiến sĩ đã tình nguyện ở lại đơn vị để làm việc, có những người đã lấy đơn vị làm nhà từ đầu mùa dịch. Thế mà đó đây vẫn có những ý kiến, những thông tin chưa đầy đủ và phát biểu về họ một cách thiếu xây dựng, quy chụp một chiều.
Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng
Chúng ta đều biết rằng, đằng sau mỗi cán bộ chiến sĩ công an làm việc tại cửa khẩu là một gia đình, một cộng đồng dân cư. Mỗi chiến sĩ công an, mỗi người làm nhiệm vụ ở trên tuyến đầu, họ đều là những con người, họ có tình cảm suy nghĩ và cả sự lo lắng riêng - một lẽ rất tự nhiên của mỗi con người. Thế mà trong suốt thời điểm diễn ra dịch bệnh, họ vẫn đứng vững, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phàm là con người ai cũng cần được động viên, được cảm thông và sẻ chia, những cán bộ chiến sĩ công an cửa khẩu của chúng ta cũng vậy. Trong khi dịch bệnh còn khó lường, cần lắm sự đồng lòng, sự cảm thông và sẻ chia với những khó khăn mà tuyến đầu đang phải đối mặt. Để những người nơi tuyến đầu vững tâm hơn “vì nhân dân phục vụ” và như tinh thần của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 đã nói: “Tất cả chúng ta đều đồng lòng thì mới mong sớm chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm này”.
“Phàm là con người ai cũng cần được động viên, được cảm thông và sẻ chia, những cán bộ chiến sĩ công an cửa khẩu của chúng ta cũng vậy. Trong khi dịch bệnh còn khó lường, cần lắm sự đồng lòng, sự cảm thông và sẻ chia với những khó khăn mà tuyến đầu đang phải đối mặt. Để những người nơi tuyến đầu vững tâm hơn “vì nhân dân phục vụ”.
Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng
|