Một mã số - nhiều thuận lợi
Hiện lực lượng Công an toàn quốc đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công tác làm sạch dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh điện tử cho công dân tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy vào năm 2023 theo Đề án 06 của Chính phủ.
Tại Hà Nội, Công an TP đã và đang triển khai ứng dụng định danh điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân (CCCD) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Qua đó, phục vụ các mặt của đời sống xã hội và phục vụ Nhân dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời có tính bảo mật cao.
Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cấp căn cước công dân gắn chíp có mã định danh điện tử cho người dân
Ở phường Thành Công (quận Ba Đình) nơi có gần 30.000 nhân khẩu thường trú. Trên cơ sở rà soát, nắm địa bàn, và di biến động dân cư, lực lượng cảnh sát khu vực xác minh nhân khẩu, chỉnh sửa, bổ sung những trường thông tin còn sai sót hay bị thiếu.
Thiếu tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Công an phường Thành Công cho biết, hiện có khoảng 17.000 công dân đã hoàn thành làm thẻ CCCD gắn chíp. Đến ngày 10/10, đã có khoảng 80% công dân có CCCD gắn chíp hoàn thành cấp mã định danh cá nhân.
Thiếu tá Hà cũng cho biết, phường hiện có khoảng hơn 600 trường hợp có hộ khẩu nhưng đang tạm trú sống và làm việc tại các địa phương khác. "Trường hợp người dân có hộ khẩu trên địa bàn nhưng tạm trú nơi khác, Công an phường xác minh rõ địa chỉ và gửi tin nhắn mời về làm căn cước công dân gắn chíp. Cùng với đó, đơn vị tuyên truyền vận động bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền lợi của người dân.
Trong đó, tham mưu chính quyền địa phương để các tổ 06 vào cuộc vận động phối hợp với công an phường thực hiện cấp căn cước công dân gắn chíp...", Thiếu tá Hà chia sẻ.
Để được cung cấp mã số định danh cá nhân thì công dân phải hoàn thành cấp CCCD gắn chíp. "Khi người dân có thẻ CCCD gắn chíp chính là thẻ xanh để di chuyển trên đường, đi lại bằng phương tiện giao thông vận tải như: máy bay, tàu hỏa, ô tô khách, đi công tác làm việc giao dịch với các cơ quan doanh nghiệp...", Thiếu tá Hà chia sẻ về lợi ích từ CCCD gắn chíp.
Ngoài ra, thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin của công dân. Dữ liệu thông tin có trong CCCD gắn chíp điện tử có thể truy cập ngay lập tức thông qua thiết bị chuyên dùng mà không cần phải kết nối internet, nên việc xác thực danh tính của công dân được thực hiện ngay.
Căn cước công dân gắn chíp - “chìa khoá” của người dân
Trong thời gian tới, thẻ CCCD gắn chíp được coi “chìa khóa” trong mọi giao dịch của công dân. Bởi thẻ CCCD thay thế thẻ ATM của các ngân hàng, được trực tiếp sử dụng để rút tiền, thanh toán, thẻ CCCD cũng thay thế Giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện…
Thiếu tá Hà cũng cho biết, tiến độ thực hiện việc làm sạch dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống và giải quyết các thủ tục có liên quan đến yêu cầu cấp mã định danh cho công dân sau khi cấp CCCD, cơ bản đến thời điểm đạt hơn 80%.
"Việc xác minh cập nhập thông tin hiện cũng gặp không ít khó khăn. Bởi trên thực tế, có những hộ dân đã chuyển đi nơi ở mới, nhà đã bán qua nhiều người nhưng vẫn chưa cắt khẩu. Hay hộ khẩu nhiều gia đình chưa cắt trường hợp báo tử, tuy nhiên công tác làm sạch dữ liệu được công an phường thường xuyên cập nhập hơn, nhằm không để xảy ra sai sót...", Thiếu tá Hà chia sẻ.
Theo Thiếu tá Hà, với trường hợp đã nộp lại sổ hộ khẩu giấy sau khi được cấp CCCD gắn chíp và mã định danh cá nhân bị vướng mắc khi thực hiện giao dịch hành chính thì chỉ cần xuất trình giấy xác nhận cư trú
"Khi thu sổ hộ khẩu giấy, cơ quan công an cấp cho giấy xác nhận thu hồi và xác nhận cư trú cho công dân. Đã có trường hợp thắc mắc khi ra ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến hộ khẩu. Tuy nhiên khi công an hướng dân việc bổ sung giấy xác nhận cư trú việc giao dịch đã diễn ra thuận lợi...", Thiếu tá Hà thông tin.
Việc thay thế sổ hộ khẩu giấy vào năm 2023, Thiếu tá Hà khẳng định, với CCCD gắn chíp hay tài khoản định danh điện tử đã có thông tin của sổ hộ khẩu.
Cụ thể, mã số định danh điện tử giúp công dân sẽ thực hiện được nhiều dịch vụ công ngay tại nhà, không cần phải trực tiếp đến các trụ sở cơ quan Nhà nước.
Tiếp đó, cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code. Đồng thời, có thể thay thế thẻ CCCD và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp như: Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
"Mã số định danh điện tử thực hiện các giao dịch tài chính: Thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền. Bảo mật thông tin công dân, không thể giả mạo, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý...", Thiếu tá Hà nhấn mạnh.
Lực lượng chức năng tích cực cấp CCCD gắn chíp và mã định danh điện tử cho công dân tại nhà
Gần đây nhất (ngày 6/10), UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai về định danh và xác thực điện tử. Văn bản của thành phố cho biết, từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.
Đồng thời, có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Bởi vậy, lực lượng công an đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cấp CCCD gắn chíp và định danh điện tử.
TP giao các địa phương, đơn vị chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an cấp huyện trên địa bàn tổ chức cấp CCCD gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị. Qua đó, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị gương mẫu thực hiện.
Hoa Thành - TTTĐ