Mê Linh-Hà Nội: Đất nông nghiệp bị “phù phép” thành đất xây dựng nhà ở, cơ quan chức năng nói gì?
Kinhte&Xahoi
Xã Thạch Đà tổ chức đấu giá thuê đất để người dân sản xuất nông nghiệp nhưng cây trồng không thấy đâu thay vào đó là trại dê và nhà ở.
Như đã thông tin trong bài viết: “Hà Nội: Kỳ lạ việc đấu giá đất sản xuất nông nghiệp bị “phù phép” thành đất xây dựng nhà ở kiên cố?" phản ánh về những bất cập trong đấu giá thuê đất nông nghiệp tại xã Thạch Đà từ thời điểm năm 2019.
Dự án trại giống DTH - FARMT tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh.
Theo đó, rất nhiều lô đất có vị trí “vàng” được tổ chức đấu giá từ năm 2019 nhưng không thành công với nhiều lý do “lãng xẹt” như: Bỏ cọc, không nộp đủ tiền thuê đất... Tuy nhiên, nhiều hộ dân mặc dù không đủ điều kiện giao đất nhưng vẫn sản xuất nông nghiệp trên đất chưa được chính quyền cho phép.
Tại đây, những khu tiếp giáp, xen kẽ đất đấu giá mọc lên một số “dự án” như trang trại dê, trại giống DTH - FARMT…Thế nhưng, theo phản ánh thì những dự án nói trên chưa có hồ sơ pháp lý hay giấy tờ gì liên quan để lập dự án trang trại trên đất nông nghiệp.
Trang trại dê xây trên đất nông nghiệp được bao phủ lớp tường bao kiên cố.
Trao đổi với ông Đỗ Kiến Hào, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Đà được biết: “Dự án trang trại dê, là dự án được UBND huyện Mê Linh phê duyệt và giao đất cho một cá nhân, cụ thể là giao cho ông Thắng”. Thế nhưng, khi PV ngỏ ý muốn UBND xã Thạch Đà cung cấp các giấy tờ về giao đất, giấy phép xây dựng thì ông Hào không cung cấp được.
Trụ sở UBND xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội
Hơn nữa, tại buổi làm việc ông Hào cũng không thể cung cấp được bất kỳ giấy tờ, tài liệu gì liên quan đến các dự án kể trên.
Theo quan sát, khu dự án trang trại dê, tại đây chủ trang trại đã cho xây dựng một khu nhà kiên cố trên đất sản xuất nông nghiệp, nằm “chình ình” trên hành lang thoát lũ.
Giải thích vì sao lại có ngôi nhà kiên cố xây dựng trên đất được UBND Thạch Đà cho thuê qua hình thức đấu giá để sản xuất nông nghiệp, ông Hào phân trần: “Ngôi nhà trên là dạng lắp ghép, chủ trang trại xây dựng để cho cán bộ công nhân viên trông coi trang trại...”.
Khi được hỏi về phương án xử lý ngôi nhà xây dựng trái phép này có dấu hiệu sai phạm, ông Hào ngập ngừng lảng tránh sang vấn đề khác.
Ngôi nhà được xây dựng trái phép tại trang trại dê (xã Thạch Đà, huyện Mê Linh).
Trước đó, khi trao đổi qua điện thoại với ông Lưu Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Thạch Đà và nhận được câu trả lời là đã nắm được nội dung và nói, sẽ cung cấp các giấy tờ liên quan. Thế nhưng trong ngày làm việc với ông Đỗ Kiến Hào, Phó Chủ tịch UBND xã thì phía UBND xã Thạch Đà lại không hề cung cấp bất cứ giấy tờ nào liên quan đến những vấn đề trên.
Việc người dân đặt một viên gạch, xây một bức tường thì ngay lập tực chính quyền địa phương có mặt. Thế nhưng, một công trình được xây dựng kiên cố, to đẹp như vậy mà chính quyền nơi đây lại không hề hay biết thì đúng là “bất cập”. Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương đang buông lỏng công tác quản lý? Hay còn những khuất tất nào khó nói phía sau?.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương ở đâu, khi để cho nhưng cá nhân "biến hoá" sử dụng đất sai mục địch, sai quy định, có hay không dấu hiệu bao che, tiếp tay cho những sai phạm liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương.? Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, TP Hà Nội, các lực lượng chức năng cần khẩn trương thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có), theo đúng quy định của pháp luật.
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin./.
Phong Vân - Pháp luật Plus