Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới HS trên toàn quốc, ngành Giáo dục đã chuẩn bị các kịch bản để thích ứng và trong khó khăn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” luôn được phát huy để dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Nhiều địa phương quyết định dành hàng chục tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ học phí 50% hoặc 100% cho HS trong năm học mới 2021 - 2022.
Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Dương Xuân Khiêm
Chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh
Đến nay, nhiều tỉnh/TP đã miễn, giảm cho HS từ mức 50% đếm 100% học phí năm học 2021 - 2022 cho trẻ mầm non, HS THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ HS và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong năm học này, miễn giảm 50% học phí cả năm cho HS các cấp với tổng kinh phí lên tới 900 tỷ đồng. Ở học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.
Tỉnh Bắc Ninh quyết định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, giáo dục thường xuyên (hệ THPT) công lập năm học 2021 - 2022 áp dụng như năm học trước.
Tại Quảng Bình, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giảm 100% học phí học kỳ 1, năm học 2021 - 2022 cho toàn bộ HS với bậc học mầm non và HS phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất gửi HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ 100% học kỳ I năm học 2021-2022 cho trẻ mầm non và HS phổ thông trên địa bàn. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện là hơn 51,1 tỷ đồng từ nguồn thu ngân sách năm 2021. Ngoài ra, 5 địa phương quyết định miễn một nửa hoặc hoàn toàn học phí cho toàn bộ HS. Trong đó, Hà Nội miễn 50% học phí năm học 2021 - 2022 và TP HCM miễn 100% học phí học kỳ I.
UBND TP HCM chấp thuận chủ trương xây dựng cơ chế hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, HS các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).
Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.Nghị định hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
Nghị định nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Nghị định áp dụng đối với trẻ em mầm non, HS, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. |
Thách thức với đội ngũ giáo viên
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra sự trì hoãn “không thời hạn” cho ngành Giáo dục, nhiều địa phương phải triển khai hình thức dạy, học online nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Đây không chỉ là sự lo lắng, trăn trở của các bậc phụ huynh mà còn là thách thức với ngành Giáo dục.
Ảnh minh họa.
Trước thách thức của một năm học mới với hình thức học trực tuyến (online), làm sao để trò dễ dàng tiếp nhận kiến thức là điều cấp thiết. Thay vì HS sẽ tiếp thu bài giảng một cách thụ động như trước, giáo viên chỉ giao cho HS tự tìm hiểu kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ học tập do giáo viên đặt ra. Vì vậy, HS sẽ tự chủ động hơn trong quá trình tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, HS cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có đủ điều kiện học tập như đường truyền, máy tính..
Chuyển việc dạy và học từ môi trường truyền thống sang môi trường số hóa là vấn đề cần quan tâm. Triển khai dạy học trực tuyến, không chỉ giáo viên (GV) cần thay đổi để thích ứng mà công tác quản lý, chỉ đạo trong nhà trường cũng phải đổi mới, sát sao và đồng hành cùng đội ngũ.Triển khai dạy học trực tuyến, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt hiệu trưởng đóng vai trò “đầu tàu”, quyết định phương án, kịch bản dạy học phù hợp với điều kiện thực tế từng trường. Hoạt động chuyên môn hiệu quả hay không, có phần quan trọng từ sự chỉ đạo, sắp xếp, điều tiết của lãnh đạo nhà trường.
Theo nhiều chuyên gia, năm học mới với những khó khăn chung của toàn xã hội, những chủ trương và chính sách của ngành Giáo dục sẽ phần nào giảm áp lực, căng thẳng cho mỗi gia đình.
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, HS được hỗ trợ học tập tại nhà qua 2 hình thức chủ yếu là dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. HS không có điều kiện học trực tuyến sẽ được thầy cô liên hệ gửi tài liệu và hướng dẫn học tập tại nhà.. Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Nếu lãnh đạo, giáo viên các cơ sở tâm huyết, trách nhiệm và linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ thành công.
Năm học 2021 - 2022, hơn 1,7 triệu HS tại TP HCM. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM, phần mềm không đánh giá trình độ HS cũng như không tạo ra nội dung kiến thức. Nếu GV áp dụng công nghệ không đúng cách hoặc người học không chuẩn bị điều kiện kỹ thuật thì có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu ra. Trong khi đó, yếu tố quản lý có thể được giải quyết dễ dàng bằng công nghệ dữ liệu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Bộ GD&ĐT
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, từ ngày 21 - 30/9, Bộ tổ chức 5 khoá tập huấn trực tuyến về tổ chức dạy học trực tuyến cho gần 9.000 cán bộ, giáo viên cấp THCS và THPT của 63 tỉnh/TP.
Một trong những lưu ý quan trọng về dạy học trực tuyến mà các chuyên gia nhấn mạnh trong các buổi tập huấn là GV, nhà trường cần tránh việc “bê” nguyên thời khóa biểu, giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến. Vì điều này sẽ khiến HS phải ngồi học quá lâu trước máy do thời khóa biểu dày đặc, bài học nhàm chán khiến người học căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, một lỗi thường gặp khác là khi vào giờ học, giáo viên mới bắt đầu giao nhiệm vụ cho HS làm bài tập hoặc dành cả tiếng để giảng lại phần lý thuyết trong sách giáo khoa, điều này khiến HS không hứng thú với giờ học.
Tối 28/9, Bộ còn tổ chức chuỗi hội thảo “Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0” do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức cũng chính thức khởi động. Cô Dương Thị Thu Hà (GV trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội, đồng thời là GV của HOCMAI), qua 2 năm chống chọi với dịch bệnh, việc dạy và học trực tuyến vẫn đang là thách thức lớn cho ngành giáo dục. Không ít GV vẫn có quan niệm dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời, mà không phải là công việc diễn ra thường xuyên, nên dành ít tâm huyết cho việc xây dựng bài giảng phục vụ cho dạy học trực tuyến.
Cô Hà và các GV của HOCMAI đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cung cấp các phương pháp, kỹ năng giúp giáo viên chuẩn bị giáo án, kỹ năng thuyết trình, quản lý lớp học trực tuyến... nhằm tạo nên những giờ học hiệu quả.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus