Ván bài khó lường
Công ty TNHH An Quý Hưng (AQH) đã thực sự có cuộc đua cam go bằng sự liều lĩnh đáng kinh ngạc khi mua cổ phiếu VCG với giá “đắt” bất thường (28.900 đồng/CP), cao hơn 36% so với giá khởi điểm và 56% so với giá thị trường (giá khởi điểm là 21.300 đồng/cp, giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán là 18.500 đồng/cp). Tổng giá trị AQH mua hơn 7.360 tỷ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường khoảng 2600 tỷ.
Mục tiêu của AQH thể hiện rõ ở việc nắm giữ 57,7% vốn tại Vinaconex để từng bước thâu tóm quyền lực của công ty này. Trong thương vụ đấu giá cổ phiếu VCG “khủng”, AQH dồn hết tài chính để “mua bằng được” cổ phần của Vinaconex, thậm chí, AQH được biết tới chỉ là một công ty quy mô nhỏ so với giá trị đấu giá và đang mắc nợ, tranh chấp nhưng doanh nghiệp này đang phải đau đầu trước cục diện biến đổi khó lường.
Theo cập nhật mới nhất trên thị trường chứng khoán, chiều 24/12, giao dịch cổ phiếu VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG, Vinaconex) gây chú ý với khối lượng lớn được thực hiện ở phía nhà đầu tư ngoại.
Với động thái 33,9 triệu cổ phiếu VCG đã được khối ngoại bán ra theo phương thức thỏa thuận trong phiên với giá trị hơn 840 tỷ đồng, tương đương gần 25.000 đồng/cp.
Theo số liệu tới trước phiên đấu giá cổ phần VCG của Viettel và Vinaconex, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cp VCG) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cp, số liệu cập nhật tại thời điểm 9/11), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.
AQH cần tính đến khả năng số cổ phần Vinaconex khối ngoại chuyển nhượng về tay nhà đầu tư bí ẩn đấu giá thành công 21,3% cổ phần Viettel nắm giữ, đồng nghĩa với việc cục bộ của Vinaconex có thể sẽ thay đổi.
Nếu AQH muốn nắm chắc quyền lực trong tay, doanh nghiệp này cần tăng thêm gần 8% cổ phần nữa để tăng sở hữu lên 65% để toàn quyền quyết định các quyết sách quan trọng. Nhưng mặt khác, nếu nhà đầu tư bí ẩn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35% hoàn toàn có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra.
Bởi theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.
Trong canh bạc này, nếu muốn củng cố tiếng nói thì các bên phải gia tăng sở hữu. Thế nên, người được lợi nhất sẽ là Pyn Elite Fund, cổ đông ngoại đang nắm 7,1% cổ phần. Liệu Công ty nước ngoài này có tận dụng lợi thế để bán ra thị trường cổ phiếu chênh mức “khủng” trong các phiến đấu giá tới và một lần nữa, việc “ôm” cổ phần của Vinaconex chẳng phải miếng mồi béo bở mà dễ dàng nhuốt trôi.
Tương lai Vinaconex sẽ ra sao?
Theo quy định tại Điều 2a Nghị định 60/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 11 Thông tư 123/2015/TT-BTC, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một doanh nghiệp đa ngành nghề như Vinaconex tối đa sẽ là 0%. Với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex bị hạn chế là 0% thì các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch đối với cổ phiếu VCG chỉ có thể bán ra. Vì lẽ đó, loại trừ khả năng nhà đầu tư bí ẩn mua 21,3 % CP của Viettel là nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 11/1/2019 tới đây, Đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex mới được triệu tập, dự kiến nhiều bí mật sẽ được công bố.
Tuy nhiên, thông tin liên quan đến bàn tay quyền lực thật sự đứng sau thương vụ mua quyền tại Vinaconex chưa chắc đã được hé lộ. Cũng như việc Hải Phát, Him Lam, Văn Phú Invest, Geleximco, Ecopark, Vicostone có tham gia thương vụ này hay không cũng sẽ khó xác định nếu như họ không muốn lộ diện.
Kết quả kinh doah 5 năm liên tiếp của Vinaconex
Dù ai là người có quyền lực tối cao thì Vinaconex không tránh khỏi cuộc chạm trán đầy kịch tính của ban lãnh đạo với một bên nắm số cổ phiếu cao nhất có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, và một bên có quyền bác bỏ những quyết định đó. Liệu có xảy ra “lợi ích nhóm” trong tình trạng Vinaconex hiệu quả hoạt động của VCG khá trì trệ, không có đột phá (ngoại trừ năm 2017). Nếu loại trừ lợi nhuận từ hoạt động tài chính thì tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu ROE của VCG chỉ ở mức 7%, quá khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành như Coteccons, Hòa Bình…
Lợi nhuận năm 2017 có tăng đột biến so với các năm trước chỉ do lợi nhuận từ hoạt động tài chính, bán tài sản tăng đột biến, nếu loại trừ lợi nhuận này thì kết quả kinh doanh năm 2017 sẽ không bằng năm 2016. Vậy Vinaconex đã “thiên biến vạn hóa” như thế nào trong năm 2017? Phải chăng trước áp lực thoái vốn từ cổ đông lớn buộc VCG phải bán các khoản đầu tư tồn kho để đẩy doanh thu tài chính lên, vì hoạt động cốt lõi đang giảm? Nghi vấn này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý 3/2018.
Kỳ vọng VCG sẽ có lợi nhuận năm 2018 bằng năm 2017 là 8% và các năm sau mỗi năm tăng thêm 2%
Với kỳ vọng VCG sẽ có lợi nhuận năm 2018 bằng năm 2017 là 8% rồi các năm sau mỗi năm tăng thêm 2% là tương đối khó và sau 5 năm, thì tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) chỉ đạt 4,3% liệu có khả quan? Trong khi đó, mức kỳ vọng của các quỹ đầu tư ở thị trường Việt Nam đều đặt tối thiểu 12%, còn nếu gửi ngân hàng thì mỗi năm cũng đem về tỷ suất 8%.
Ban lãnh đạo sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào khi không đồng nhất quan điểm, Dư luận đặt ra câu hỏi AQH có đủ mạnh về tiềm lực tài chính để làm thuyền trưởng lái chuyến tàu Vinaconex vượt qua khó khăn hay không khi doanh nghiệp này dồn hết tài chính để mua bằng được cổ phần của công ty này. Thêm vào đó, Vinaconex chừng nào chưa ổn định, đồng thuận thành một thế thống nhất, hoạt động kinh doanh của AQH đi xuống là điều khó tránh khỏi. Lúc này, tương lai của Vinaconex sẽ đi về đâu? Liệu nhóm cổ đông AQH có vì bất đồng lợi ích mà để đối thủ mua chuộc? Người thuyền trưởng AQH sẽ làm cách nào để hóa giải vấn đề, tránh một ván thua đậm khó gỡ? Như vậy, câu trả lời quyền lực Vinaconex cuối cùng được cân bằng thế nào vẫn là một ẩn số. Chắc rằng, nhà đầu tư bí ẩn “cao tay” đã có những tính toán riêng mình rất có thể khiến AQH phải “chao đảo” vài lần nữa trước mộng tưởng nắm “quyền lực tối cao” trong tay.
Theo thông tin, VCG sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 9/1/2019, liệu rằng, nhiều bí ẩn xung quanh thương vụ này có được đưa ra trong lần đại hội bất thường này. Trong một diễn biến khác liên quan đến lãnh đạo của VCG, HĐQT của VCG cũng đã miễn nhiệm chức vụ của ông Đỗ Trọng Quỳnh, HĐQT đã bổ nhiệm Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng (công ty đã mua 57,71% cổ phần Vinaconex từ SCIC) lên thay.
Theo hoanhap.vn