Tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Lễ phát động do Bộ Thông tin &Truyền thông chủ trì, Bộ GD&ĐT phối hợp, đã được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ kết nối với điểm cầu các tỉnh thành trên khắp cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp với tình hình, quản lý sự thay đổi và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta.
Thủ tướng tin rằng, chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên công nghệ số, đặc biệt học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các em học sinh có điều kiện khó khăn được tiếp cận bình đẳng với những gì Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân ta.
“Đảng và Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với các gia đình, các cháu đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng với việc học trong điều kiện dịch bệnh. Nhà nước đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng an toàn với dịch bệnh; Thực hiện mục tiêu mở cửa lại trường học một cách an toàn, an toàn mới mở cửa” - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.
Xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần đánh giá tác động về nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề căn cơ trước mắt và lâu dài. Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy, học trực tuyến tại những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn đến hệ quả thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.
Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới đòi hỏi các nhà giáo dục, cơ sở giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo, các em học sinh phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy và học, nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học.
Quang cảnh Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương đã hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. “Tôi cũng biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” đã sẵn lòng hỗ trợ Chương trình ngay lập tức. Tôi được biết nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ rất lớn cho Quỹ Vaccine và hôm nay tiếp tục hành trình nhân ái để kết nối tri thức, kết nối yêu thương, kết nối vùng miền, kết nối tinh thần đoàn kết để góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng, phát triển trong kỷ nguyên xã hội số, đặc biệt là đầu tư cho thế hệ trẻ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và các địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn, an toàn để học tập. Việc tiêm vaccine an toàn cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Đồng thời, một số nước trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin & Truyền thông là đầu mối phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, hiểu một cách đơn giản là “có sóng” cho các cháu, nhất là ở những vùng chưa có sóng hoặc sóng không đạt chất lượng.
Đồng thời, xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình học đảm bảo thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung, hoặc đáp ứng được yêu cầu hình thức truyền tải kiến thức thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh. Các bộ, ngành cần thiết kế chương trình thi, đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng và tạo tâm lý yên tâm cho các cháu và phụ huynh.
Theo Thủ tướng, mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên khắp đất nước, trên mọi miền của đất nước.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus