Người dân nhiều "vùng xanh" của Hà Nội nỗ lực khắc phục khó khăn, "vượt bão Covid"; Ảnh: Bảo Hùng
Tạo thuận lợi để Nhân dân thu hoạch vụ mùa
Hiện tại, huyện Ba Vì (Hà Nội) đang bước vào thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa. Toàn huyện có khoảng hơn 5.000ha lúa vụ mùa nằm rải rác tại khắp các xã. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/UBND của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo 3 vùng, Ba Vì thuộc vùng 3 - “vùng xanh” do đó, huyện đang tập trung, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con Nhân dân thu hoạch lúa và triển khai gieo trồng cây vụ Đông.
Đồng chí Giáp Văn Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đây là khó khăn rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cũng như tiêu thụ sản phẩm lúa của bà con. Mặt khác, vụ mùa cùng là thời điểm thường xuyên xảy ra mưa bão, dẫn đến giảm năng suất cây trồng. Để đảm bảo năng suất, chính quyền địa phương đang kêu gọi bà con Nhân dân thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại.
Huyện Ba Vì chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng máy gặt, máy tuốt lúa phối hợp với bà con thực hiện 3 ca trong quá trình thu hoạch, đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch
Ngay sau khi tiếp nhận Chỉ thị của thành phố về việc phân vùng chống dịch, huyện Ba Vì đã lên phương án, rà soát, lập danh sách chủ các doanh nghiệp cung các loại máy móc, thiết bị phục vụ công tác thu hoạch lúa như máy gặt, máy tuốt lúa (với 58 máy gặt, 21 máy tuốt lúa). Sau đó, các địa phương tổ chức kiểm tra, dự kiến chính xác thời điểm, diện tích thu hoạch lúa mùa trên địa bàn để cân đối số lượng, công suất máy, có phương án chủ động thu hoạch lúa nhanh gọn, kịp thời vụ.
“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng máy gặt, máy tuốt lúa phối hợp với bà con thực hiện 3 ca trong quá trình thu hoạch, đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch. Đồng thời, huyện cũng huy động mọi phương tiện, lực lượng như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các lực lượng hỗ trợ Nhân dân vận chuyển, thu hoạch.
Ngoài ra, huyện cũng triển khai tới các xã, hướng dẫn cho đồng chí trưởng thôn lập danh sách, số điện thoại của hộ gia đình có ruộng trên từng xứ đồng. Khi máy gặt đến vùng nào, ruộng nào sẽ gọi điện thông báo cho hộ gia đình, mỗi lần khoảng 3 hộ, mỗi hộ đại diện là 1 người. Khi gặt xong vùng này thì điều máy sang vùng khác.
Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, người dân phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ “5K”. Các chủ máy gặt và thương lái phải được test Covid-19 trước khi vào thu mua. Đối với việc phơi lúa, các hộ gia đình chỉ ra một người để kiểm tra, không phơi gần nhau, phải giữ khoảng cách giữa các hộ”, đồng chí Nguyễn Giáp Đông thông tin.
Đảm bảo kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc trong sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi và yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-10, lực lượng HTX lại càng phát huy tốt hơn vai trò cung ứng lương thực từ người nông dân đến với người tiêu dùng; Góp phần chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo cho người dân không bị thiếu thực phẩm, yên tâm ở yên một chỗ, đẩy lùi dịch bệnh.
Việc thành phố kịp thời có phương án phân vùng chống dịch sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh sản xuất hiệu quả, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho bà con Nhân dân
Ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lan (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Hiện nay, lượng nông sản trên đồng ruộng của bà con vẫn vô cùng dồi dào, mỗi ngày HTX thu mua khoảng từ 2,5-3 tấn rau củ quả, cung cấp ra thị trường thành phố Hà Nội. Từ nay đến ngày 21/9 và thời gian tiếp theo, lượng nông sản vẫn còn đủ để cung cấp mỗi ngày từ 2-3 tấn, phục vụ nhu cầu lương thực cho người tiêu dùng khi thực hiện Chỉ thị 20 của thành phố.
Cũng theo ông Đặng Bá Thắng, việc thành phố kịp thời có phương án phân vùng chống dịch sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh sản xuất hiệu quả; Không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho bà con Nhân dân khu vực nội thành; Ngoài ra, còn bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp nên thành phố Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân.
Mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng.
Khắc Nam - TTTĐ