Một Hà Nội phát triển, một Thủ đô nghĩa tình

01/09/2021 19:02

Kinhte&Xahoi 76 mùa Thu đã qua, diện mạo Thủ đô đã có những thay đổi chưa từng có, không chỉ về không gian mà còn cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Hà Nội hôm nay thừa kế một di sản đó là văn hóa và tính cách người Tràng An. Điều này càng sáng rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, sự tử tế, tình người giữa đại dịch được tỏa sáng. Đây chính là “cốt cách” tạo động lực để Thủ đô ngày càng văn minh, phát triển hơn nữa.

Hà Nội đang từng ngày đổi thay

Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Thủ đô là một đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại. Đáng chú ý, đứng giữa dòng chảy đô thị có thể dễ dàng cảm nhận được Hà Nội đã và đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Nhìn từ bức tranh giao thông của Hà Nội có thể phần nào thấy được điều này. Còn nhớ, khi Hà Nội được mở rộng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, một phần của tỉnh Bắc Ninh và một số xã của tỉnh Hoà Bình… Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt công trình lớn mang tầm thế kỷ đã hình thành cùng với những khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng ở phía Tây và Tây Nam thành phố.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: M.P

Để nhịp độ phát triển được đồng bộ, những “mạch máu” là các trục giao thông được Thành phố huy động các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Đó là hệ thống đường giao thông Vành đai đang từng bước khép kín và hoàn thiện.

Những tuyến đường này đã và đang đóng vai trò là những trục giao thông huyết mạch, đảm nhận khối lượng vận tải lớn. Có thể thấy như tuyến đường Vành đai 1 của Hà Nội, đây là tuyến được hình thành từ thời Pháp thuộc. Đường có hình vòng tròn từ Nhật Tân theo đê sông Hồng đến đường Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - La Thành - Bưởi, đường Lạc Long Quân thuộc địa bàn 5 quận nội thành.

Để giao thông thuận tiện, nhiều năm qua, Hà Nội đã chủ động cải tạo, nâng cấp và khép kín đường Vành đai 1; Tương tự, Vành đai 2 cũng là tuyến giao thông nội đô khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - đường Đại La - ngã tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - cầu Vĩnh Tuy. Tuyến đường này đã và đang trực tiếp nâng cao năng lực vận tải, góp phần đáng kể, đáp ứng nhu cầu giao thông của khu vực nội đô…

Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Để đạt được những mục tiêu này, được biết Thành phố sẽ tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường.

Với đường Vành đai 3, đây là tuyến đường được hình thành trên cơ sở kết nối các tuyến đường cũ và xây mới. Đường chạy qua các quận và huyện như: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm từ đường Võ Văn Kiệt qua cầu Thăng Long về Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đông Anh… Ngoài ra, từ năm 2011, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội có đường Vành đai 4; đường Vành đai 5 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2014 với chiều dài khoảng 348km, đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Hà Nội - Lạng Sơn quy mô cao tốc 4-6 làn xe.

Bức tranh giao thông Thủ đô nói riêng đang từng bước được hoàn thiện theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển thì vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Chẳng hạn, để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước.

Trong đó huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nói cách khác, nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư sẽ trực tiếp tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác. Hẳn nhiên, Hà Nội sẽ phát triển nhanh và mạnh nếu biết tận dụng tối đa những thế mạnh vốn có này.

Một Hà Nội kiêu hãnh trong đại dịch

Nhắc đến Hà Nội, bên cạnh sự đổi thay mạnh mẽ của nhịp đô thị hóa, cho đến nay người ta vẫn thường ví von “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về “chất” văn hóa lắng đọng trong tính cách người Hà Nội. Có thể phác họa phần nào cái “chất” này, đó là nét hào hoa, thanh lịch thể hiện ở sự tài hoa, tao nhã, khéo léo và sành điệu trong cuộc sống; tính chất phóng khoáng, lịch duyệt, quân tử, tinh tế, coi trọng cái đẹp và luôn sáng tạo trong cuộc sống.

Cầu Nhật Tân

Diễn giải đôi khi vẫn mang nét trừu tượng khi đề cập đến vấn đề này song dễ thấy nhất về “chất” Hà Nội khi oằn mình chống dịch. Tại đây, ngay trong những ngày này, khi dịch Covid-19 càn quét qua như một cơn bão mạnh, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng sự tử tế, tình người giữa đại dịch, nét đẹp Tràng An lại càng tỏa sáng.

Chẳng khó để thấy khi thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch bệnh, số ca bệnh Covid-19 tăng lên cao mỗi ngày, tạo nên áp lực rất lớn với hệ thống y tế của thành phố, thì ở Hà Nội, các đoàn xe chở đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã lập tức lên đường tiếp sức cho tuyến đầu. Đó là tinh thần nghĩa tình bất biến “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” được truyền giữ từ xưa đến nay.

Lại nữa, trong thời gian giãn cách xã hội, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần “tương thân, tương ái”, người dân trên địa bàn Thủ đô vẫn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Huyện Mỹ Đức là ví dụ. Theo tìm hiểu, trong những ngày cao điểm chống dịch tại Thủ đô, người dân ở Mỹ Đức đã sẵn lòng chuyển tặng những sản phẩm tự tay họ làm ra tới nhân dân khu vực đang bị cách ly, phong tỏa ở một số quận nội thành của Thủ đô.

Gia đình ông Đoàn Trọng Định (xã Phúc Lâm) có trang trại nuôi 50.000 con gà đẻ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 40.000 quả trứng. Biết được thông tin huyện triển khai chương trình ủng hộ nông sản, các mặt hàng thiết yếu gửi nhân dân khu vực cách ly y tế, gia đình ông đã nhiệt tình tham gia. Không riêng gia đình ông Định, biết tin huyện Mỹ Đức triển khai chương trình gửi tặng rau cho các quận nội thành, bà Nguyễn Thị Dung (xã Thượng Lâm) cũng mong muốn góp rau xanh gửi đến các khu vực bị cách ly.

Ngay từ sáng sớm, gia đình bà hối hả thu hoạch những luống rau, quệt vội những giọt mồ hôi còn ướt đẫm trên trán bà Dung chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 gây ra những khó khăn chung, chúng tôi là những nông dân thuần khiết, nhận được tin một số phường trên đó phải tạm dừng hoạt động tại các chợ, chắc chắn nhân dân sẽ rất cần rau, củ, quả, chúng tôi xác định gửi một chút tấm lòng quê tới nhân dân ngoài đó để thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau chiến thắng dịch Covid-19”.

Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, những ngày Hà Nội căng mình chống dịch, nhiều hành động, nghĩa cử đẹp của người dân, của các cấp ngành, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng.

“Xin cảm ơn vì không quên chúng tôi trong đại dịch”. Đó là một trong những chia sẻ rất xúc động của chị Đỗ Thị Hồng (28 tuổi), đang làm việc tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh khi đón nhận những phần quà từ “Siêu thị 0 đồng” do Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội tổ chức. Nhắc đến câu chuyện dìu nhau vượt qua đại dịch, sát cánh cùng công nhân lao động khó khăn, Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản nở nụ cười nhẹ tênh, anh bảo với tôi đó là nghĩa đồng bào.

Bởi với truyền thống người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, trong lúc khó khăn hoạn nạn thì rất cần tấm lòng giúp đỡ. Với công nhân lao động cũng vậy, trong lúc khó khăn rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời từ tổ chức Công đoàn. “Siêu thị 0 đồng là hoạt động ý nghĩa, góp phần hỗ trợ công nhân lao động vượt qua khó khăn. Đây cũng là động lực để người lao động yên tâm hơn, có thêm sức khỏe và niềm tin để lao động sản xuất, chung tay đẩy lùi dịch bệnh” - Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội nhấn mạnh.

Không ngại khó khăn vì cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, những ngày qua, rất nhiều thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau nhưng cùng chung mục đích là góp sức trẻ để chiến thắng dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Huy Cận, Bí thư thị đoàn Sơn Tây cho biết, nhận định rõ tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn và Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây, các cấp Đoàn thanh niên đã chủ động triển khai các hoạt động một cách kịp thời, phù hợp.

Hà Nội nghĩa tình vượt qua đại dịch Covid-19.

Theo đó, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Đoàn Thanh niên thị xã đã thành lập 15 Đội phản ứng nhanh, có vai trò hỗ trợ xung kích với tổng số 156 thành viên tham gia, hỗ trợ các hoạt động tiêm phòng vắc xin tại các trạm y tế và hoạt động cung ứng hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn.

Hà Nội là thế, người sống ở Hà Nội là vậy, chẳng ai bảo ai, trong gian khó mỗi người đều cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm và phần việc của mình. Sẵn sàng hy sinh nỗi niềm riêng vì lợi ích chung, cùng dìu nhau qua mùa dịch. Chẳng thế mà lướt qua những dòng tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… tôi đã chứng kiến nhiều thông điệp như “lá lành đùm lá rách”, “trao đi yêu thương, nhận về hạnh phúc”… nhiều nhóm thiện nguyện tại Hà Nội đã phục vụ những suất ăn miễn phí cho người vô gia cư, người gặp khó khăn do giãn cách. Không quản ngại khó khăn họ đội nắng, len lỏi khắp ngóc ngách của Thành phố để kết nối, để trao những phần quà đến tận tay những người nghèo khó.

Tỏa sáng bản lĩnh, trí tuệ

Có thể nói, những ngày qua, người dân Hà Nội đã sát cánh bên nhau đi qua một chặng đường khó khăn. Không thể phủ nhận trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nền kinh tế bị đình trệ, cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những hộ kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, những người lao động chân tay, những người sống dựa vào công việc mùa vụ... ở Thủ đô bị ảnh hưởng lớn đến mưu sinh.

Để tháo gỡ căn bản khó khăn này cho nhóm yếu thế và những người bị ảnh hưởng do dịch, các sở, ban, ngành Hà Nội, nhanh chóng triển khai thêm các gói hỗ trợ riêng của Thành phố để bảo đảm không một người dân nào của Thủ đô bị “bỏ lại phía sau”. Đây chính là bản lĩnh của Hà Nội, thứ bản lĩnh cứng cỏi vượt mọi gian nan để đi đến thành công.

Trở lại câu chuyện diện mạo Hà Nội. Là Thủ đô văn hiến, nơi tỏa sáng những khát vọng vươn lên, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển “nóng”, thành phố phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhất là tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học, dẫn đến nhiều thách thức trong quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Chính vì thế, việc xây dựng một thành phố thông minh sẽ đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cuộc sống cộng đồng là yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu hướng tới của Thủ đô.

Theo tìm hiểu, với vấn đề này Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội chỉ ra lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội kiến tạo những giá trị văn hiến cho tương lai.

Trong quá trình xây dựng hẳn Hà Nội sẽ gặp không ít khó khăn về nguồn lực kinh tế; cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thiết kế đô thị… Song, với khát vọng vươn lên, với tiềm lực, lợi thế của mình, Hà Nội sẽ biến thách thức thành cơ hội. Khi đó, Hà Nội - kinh đô ngàn năm văn hiến, sẽ là thành phố thông minh và đáng sống./.

Giang Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/mot-ha-noi-phat-trien-mot-thu-do-nghia-tinh-129264.html?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo