Việc công khai Bản đăng ký của các ứng viên trên Cổng thông tin của Hội đồng giáo sư nhà nước và Hội đồng cơ sở là bước tiến quan trọng trong việc công nhận một cách công khai và minh bạch thành tích của các ứng viên và cũng để làm rõ những bất cập trong việc chạy theo tiêu chuẩn để đạt được chức danh.
Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay có 14 ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư trong đó có 7 ứng viên giáo sư, 7 ứng viên phó giáo sư.
Danh sách các bài báo khoa học công bố trên Tạp chí quốc tế năm 2020 của một ứng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân
Một số ứng viên của Hội đồng này rất xứng đáng về công bố quốc tế và các tiêu chuẩn khác, việc công bố rải đều trong các năm, đăng trên tạp chí có uy tín quốc tế.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong bản công khai hồ sơ ứng viên đăng kí xét đạt tiêu chuẩn GS,PGS tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ứng viên giáo sư N.H.A (sinh năm 1973), Viện Kế toán – Kiểm toán có thành tích đặc biệt xuất sắc với số lượng bài báo khoa học công bố trên Tạp chí quốc tế thuộc dạng "khủng".
Cụ thể, riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã “sản xuất” tới 27 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế.
Được biết, năm 2017 ứng viên N.H.A có 1 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế; năm 2018 có 3 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư của trường ĐH Kinh tế quốc dân, số lượng bài báo công bố quốc tế cũng đều đăng dồn dập vào năm 2019, 2020.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, số lượng bài báo khoa học công bố trên Tạp chí quốc tế của trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng mạnh, cụ thể: năm 2017, số lượng công bố quốc tế là 56; năm 2018 có 78 công bố quốc tế; năm 2019 có 146 công bố quốc tế và năm 2020 có 126 công bố quốc tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hội đồng cơ sở phải tập trung làm tốt nhiệm vụ “sàng”, tức là thẩm định kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu theo QĐ 37 của TTg Chính phủ.
Việc xét chọn hồ sơ ứng viên phải được làm chặt chẽ ở từng cấp Hội đồng, tránh làm ồ ạt, qua loa
Trong đợt xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm trước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 đã nhấn mạnh tới tính nghiêm minh, công tâm, công bằng và khách quan trong quá trình xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS, trong đó lưu ý, chú trọng việc thẩm tra thâm niên đào tạo, công nhận giờ giảng, bằng cấp và đánh giá về tiêu chuẩn, đạo đức nhà giáo.
Việc xét chọn hồ sơ ứng viên phải được làm chặt chẽ ở từng cấp Hội đồng, tránh làm ồ ạt, qua loa, đặc biệt không để xảy ra tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các cấp Hội đồng gây khó khăn cho ứng viên và không đảm bảo chất lượng các hồ sơ ứng viên.
Hội đồng cơ sở phải tập trung làm tốt nhiệm vụ “sàng”, tức là thẩm định kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu theo QĐ 37 của TTg Chính phủ.
Hội đồng cấp nhà nước phải thực hiện tốt nhiệm vụ “thẩm tra” các hồ sơ ứng viên trước khi biểu quyết.
"Chất lượng ở vòng Hội đồng cơ sở tốt sẽ là đầu vào vô cùng quan trọng cho các vòng Hội đồng tiếp theo, vì thế ngay từ vòng hội đồng cơ sở phải làm thật tốt, để không có “sạn”. Qui trình này thực hiện nghiêm túc, công tâm, khách quan sẽ tạo được sự yên tâm cho các ứng viên, cộng đồng khoa học và niềm tin của xã hội về Hội đồng” - Bộ trưởng nói.
Với các Hội đồng GS ngành/liên ngành, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các ủy viên hội đồng ngành/liên ngành cần công tâm, khách quan trong đánh giá chuyên môn, năng lực và bỏ phiếu đánh giá các ứng viên.
Thiết nghĩ việc xét công nhận GS,PGS ở các Hội đồng cơ sở cần đi vào thực chất, đánh giá việc công bố trên ‘Tạp chí quốc tế có uy tín” một cách toàn diện và khách quan. Có như vậy từ những năm sau mới tránh được hiện tượng “chạy đăng bài” ở các tạp chí quốc tế trong việc xét công nhận chức danh GS,PGS.
Hồng Hạnh - Theo Dân Trí