Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 6.205 vụ (-35,15%), giảm 1.245 người chết (-16,32%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%).
Hình minh họa.
Thống kê cho biết, trong năm 2022, Cục CSGT đã chỉ đạo CSGT Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề, nhất các chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 4.124 tỷ 652 triệu đồng, tước 388.141 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 614.520 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.263.641 trường hợp, tiền phạt tăng 1.360 tỷ 298 triệu đồng; so với năm 2021, giảm 19.171 trường hợp, tiền phạt tăng 1.316 tỷ 028 triệu đồng.
Năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã nắm chắc, dự báo sát tình hình, chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), qua đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo Bộ Công an, năm 2022 lực lượng CSGT đã chủ động tham mưu, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT như tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật về TTATGT; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT; tham mưu cho Bộ và trực tiếp ban hành nhiều kế hoạch lớn về bảo đảm TTATGT, TTXH, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề phù hợp với thực tế về tình hình TTATGT, TTXH.
Lực lượng CSGT đã triển khai thực hiện có hiệu quả 5 đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tư duy, nhận thức của các tầng lớp nhân dân; chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.
Linh Nhi- Pháp luật Plus