Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số TP chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
Chỉ số hài lòng của người dân tăng
Theo ông Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Hội đồng thẩm định, đánh giá, chấm điểm, xác định chỉ số CCHC năm 2022 đã triển khai xác định chỉ số CCHC một cách khách quan; Có quy trình đánh giá bài bản, trên cơ sở ứng dụng 100% phần mềm đánh giá (khác so với năm trước), các đơn vị được đánh giá được giải trình, bổ sung tài liệu kiểm chứng để bảo đảm kết quả đánh giá phản ánh trung thực những tồn tại, hạn chế, cũng như những mặt đạt được.
Qua nghiên cứu, đánh giá, cho thấy công tác CCHC năm 2022 của thành phố Hà Nội đã có sự cải thiện rõ nét. Kết quả chỉ số CCHC trung bình cả hai khối Sở và khối huyện đều tăng so với năm 2021.
Cụ thể, ở khối Sở, kết quả trung bình năm 2022 là 85,73%, tăng 3,78% so với năm 2021. Trong đó, điểm thẩm định trung bình năm 2022 đạt 84,19%, so với năm 2021 tăng 5,43%; Điểm điều tra xã hội học trung bình năm 2022 đạt 89,19%, tăng 0,04% so với năm 2021. Đặc biệt, kết quả khảo sát mức độ hài lòng người dân năm 2022 tăng 0,6% so với năm 2021.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trao bằng khen tặng quận Hoàn Kiếm và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (2 đơn vị dẫn đầu trong chỉ số cải cách hành chính năm 2023)
Với các quận, huyện, kết quả trung bình năm 2022 là 92,75%, tăng 2,20% so với năm 2021. Trong đó, điểm thẩm định trung bình năm 2022 đạt 91.56%, so với năm 2021 tăng 2.49%; Điểm điều tra xã hội học trung bình năm 2022 đạt 42.11%, tăng 0,97% so với năm 2021. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng người dân năm 2022 tăng 2,2% so với năm 2021.
“Kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 tăng cả 2 khối (ở cả điểm thẩm định và điểm điều tra xã hội học) thể hiện sự nỗ lực và tiến bộ của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện chất lượng công tác CCHC của thành phố, được các đối tượng bị tác động đánh giá cao, người dân và doanh nghiệp ghi nhận”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhận định.
Cũng theo Sở Nội vụ, có nhiều trục nội dung có Chỉ số CCHC trung bình năm 2022 tăng so với năm 2021: Đối với khối Sở, 4/8 nội dung có kết quả tăng là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; Công tác chỉ đạo điều hành CHCC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Với khối huyện, 5/8 nội dung có kết quả tăng là xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; Công tác chỉ đạo, điều hành CHCC; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật...
Ngoài ra, khối Sở, cơ quan tương đương Sở có nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác CCHC nói chung, khi mức độ tăng Chỉ số trung bình so với năm 2021 của khối Sở tăng cao hơn khối huyện (khối Sở tăng 3,78%, khối huyện tăng 2,2%), cho thấy nỗ lực của các sở trong công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, cũng như trong công tác tham mưu cho TP triển khai các nhiệm vụ CCHC theo từng ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, qua triển khai, Hội đồng thẩm định thành phố đánh giá một số Sở, cơ quan ngang Sở và UBND các quận huyện thị xã chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu đánh giá chưa đúng thực trạng đơn vị; Vẫn còn những trục nội dung có kết quả giảm so với năm 2021.
Kết quả giảm với khối Sở là cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (giảm 1,35%); Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (giảm 0,87%)… Với khối quận, huyện, thị xã có nội dung giảm về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (giảm 1,35%); Tác động CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội (giảm 0,49%)…
Rà soát lại quy trình, quy chế phối hợp
Phát biểu tại hội nghị, nhìn lại năm 2022, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tuyên dương các đơn vị có thành tích xuất sắc, tiến bộ vượt bậc về cải cách hành chính đã được tôn vinh; Đồng thời nhắc nhở các đơn vị tiếp tục cố gắng, không được hài lòng. Các đơn vị chưa được tôn vinh cần phải nhìn nhận rõ phải nỗ lực trong năm 2023.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, từ chủ trương chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… cùng với cả nước Hà Nội đã có bước tiến dài về CCHC, ngày càng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Bước tiến này thể hiện ở chỉ số tăng trưởng, thu hút đầu tư, sự hài lòng của người dân tăng lên như kết quả khảo sát chỉ số CCHC năm 2022.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu vấn đề, điều tra xã hội học của khối quận, huyện có sự tiến bộ nhiều hơn các Sở, ngành và đặt câu hỏi với lãnh đạo các sở cần nghiêm túc suy nghĩ thêm để cải cách tốt hơn nữa trong năm 2023.
Qua tổng hợp dư luận, thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy rất quan tâm tới thủ tục hành chính ở các Sở, ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo sẽ làm việc trọng tâm, trọng điểm với các sở, ngành về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, con người để cải cách hơn nữa.
Đề cập đến một số nội dung còn hạn chế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc nhở các đơn vị Sở, ngành, địa phương rà soát lại quy trình, quy chế, nắm rõ luồng đến, luồng đi của từng văn bản, rõ thời hạn, báo cáo cụ thể; Quy chế phối hợp giữa các Sở, không để tình trạng hồ sơ chậm muộn... Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cũng lưu ý một số lĩnh vực công tác nhạy cảm, xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường kiểm tra, luân phiên, luân chuyển; Không được gây phiền hà cho dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, năm 2023 nhất định thành phố phải có thay đổi căn bản trong CCHC.
Chỉ số CCHC năm 2022 của các Sở, cơ quan tương đương và UBND các quận, huyện, thị xã
Tú Linh- TTTĐ