Nam Long (NLG) sắp huy động 500 tỷ đồng trái phiếu, dư nợ phải trả vượt 13.000 tỷ đồng

23/11/2022 15:13

Kinhte&Xahoi CTCP Đầu tư Nam Long muốn phát hành trái phiếu nhằm thực hiện dự án Waterpoint giai đoạn 2 (bằng hình thức góp vốn vào công ty con Nam Long VCD).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam Finance)

Nam Long huy động trái phiếu để làm dự án Waterpoint

HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đợt 2 theo hình thức riêng lẻ với tổng giá trị phát hành lên đến 500 tỷ đồng.

Mệnh giá đạt 1 tỷ đồng/trái phiếu, dự kiến có kỳ hạn tối đa 7 năm. Thời gian phát hành dự kiến quý IV/2022.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng sản là cổ phiếu của Nam Long tại công ty con (CTCP Nam Long VCD, 1.850 tỷ đồng tương ứng với 51% giá trị thị trường) và công ty liên doanh (CTCP NNH Mizuki, 1.501 tỷ đồng tương ứng 50% giá trị thị trường).

Mức lãi suất cố định hàng năm được tính toán bằng tổng của lãi suất cơ bản cố định tính theo VND cộng biên độ 3,5%/năm.

Mục đích phát hành trái phiếu nhằm thực hiện dự án Waterpoint giai đoạn 2 (bằng hình thức góp vốn vào công ty con Nam Long VCD).

Tính đến hết quý III/2022, nợ trái phiếu Nam Long ở mức 2.517 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm.

Nếu hoàn thành đợt phát hành trái phiếu vừa công bố ở trên, dư nợ trái phiếu của công ty sẽ vượt mức 3.000 tỷ đồng. Trong đó, gần nhất là khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong tháng 6/2023 tới đây.

Ngoài ra Nam Long cũng đang vay ngân hàng gần 2.100 tỷ đồng. Tổng cộng dư nợ phải trả sau đợt phát hành trên là hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long mới đây cũng  vừa thông qua chủ trương mua lại cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 1.000 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty.

Cổ phiếu NLG lao dốc trong giai đoạn cuối năm 2022. (Dữ liệu của TradingView)

Cuối quý III/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Nam Long hơn 2.171 tỷ đồng.  Đáng chú ý, việc Nam Long muốn mua lại cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu NLG liên tục trượt dốc. Theo đó, thị giá mã này vừa có một quãng chiết khấu khá sâu cùng đà giảm của nhóm bất động sản.

Tuy nhiên những phiên gần nhất, giá cổ phiếu này ghi nhận đà hồi phục tương đối tốt với 4 phiên liên tiếp tăng kịch trần. Chốt phiên 22/11, giá cổ phiếu NLG đạt 23.100 đồng/cổ phiếu, tăng 30% sau chưa đầy 1 tuần, tuy nhiên nếu so với mức đỉnh 64.000 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi tháng 3 thì thị giá vẫn mất gần 65% giá trị.

Lợi nhuận sút giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý III của CTCP Đầu tư Nam Long, doanh thu thuần đạt gần 882 tỷ đồng, tăng 484% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính kỳ này của Nam Long giảm đến 92% về còn 29 tỷ đồng Đồng thời, chi phí bán hàng tăng vọt 11,8 lần lên 107 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên 39 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng 25% lên 160 tỷ đồng.

Với nguyên nhân trên, mặc dù doanh thu thuần tăng gần 5 lần nhưng lợi nhuận sau thuế công ty giảm mạnh 83% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn vỏn vẹn 50,9 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng của năm 2022, doanh thu của Nam Long đạt 2.709 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ có 276 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với cùng kỳ.

Năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.526 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Nam Long chỉ thực hiện được lần lượt 37% và 18% kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy hiện Nam Long có 4.178 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, tăng 9% so với đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng và việc huy động vốn từ ngân hàng gặp khó khăn thì khoản dự trữ tiền mặt trên là cần thiết với một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản lớn như Nam Long.

Thời gian qua, doanh nghiệp đang triển khai nhiều khu đô thị phức hợp quy mô lớn như Mizuki Park, Akari City (TP HCM), Southgate (Long An), Izumi City (Đồng Nai - Waterfront). Các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành theo từng giai đoạn trong năm 2022 - 2023.

 Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dia-oc/nam-long-nlg-sap-huy-dong-500-ty-dong-trai-phieu-du-no-phai-tra-vuot-13000-ty-dong-d186985.html