Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước ở trẻ em trong dịp hè

03/05/2022 17:59

Kinhte&Xahoi Đuối nước hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho trẻ em Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, số ca trẻ em tử vong do đuổi nước tăng cao vào các dịp hè và mùa mưa lũ, vì vậy cùng với việc nâng cao nhận thức và dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước, mỗi gia đình cần quản lý hoạt động vui chơi của trẻ thật tốt nhất là dịp hè.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm

Mặc dù mới chỉ vào đầu mùa hè, tuy nhiên nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước thương tâm đã xảy ra trên phạm vi cả nước. Thực trạng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước mùa nắng nóng.

Mới đây, vụ đuối nước xảy ra vào ngày 11/4 tại Bình Định khiến 2 em học sinh tử vong đã khiến người dân nơi đây bàng hoàng. Được biết, khoảng 17 giờ chiều ngày 11/4, nhóm 4 học sinh (cùng sinh năm 2004), trú xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định rủ nhau đến tắm biển tại bãi Bàng (xã Mỹ Thọ). Một lúc sau, 2 học sinh trong nhóm bị sóng cuốn ra xa và điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Hay như trước đó, vào ngày 10/4 tại huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong. Theo đó, vào khoảng 16 giờ 30 ngày 10/4, người dân và gia đình các nạn nhân phát hiện 3 cháu chết đuối tại ao của một gia đình ở buôn Ea Lê xã DliêYa. Bất cứ ai chứng kiến cuộc kiếm tìm thi thể các em cũng không khỏi rơi nước mắt, khi các em chỉ có độ tuổi 12 - 15.

Cũng tại Đăk Lắk, ngày 23/3, có 2 em học sinh 11 tuổi, trú thị trấn Ea Súp đuối nước tại khu vực hồ Trung Chuyển trên địa bàn thị trấn. Ngày 27/3, 3 chị em ruột đuối nước tại hồ Ea Dhung Tiêng (cách nhà khoảng 200 m), ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk…

Giáo dục kĩ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ngoài cộng đồng chiếm 76%. Tình trạng đuối nước diễn ra ở cả trẻ biết bơi, bơi giỏi và không biết bơi.

Nguyên nhân tỷ lệ đuối nước cao đầu tiên là do nhận thức của gia đình và chính các em còn hạn chế về cả kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, môi trường sống tự nhiên của Việt Nam đặc thù, có đường biển dài, nhiều ao hồ, thiên tai mưa, bão, lũ nhiều cũng là nguyên nhân gây tai nạn cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn, mỗi dịp hè đến, trẻ nhỏ thường tự tổ chức chơi cùng nhau, thiếu kiểm soát của người lớn. Đặc biệt là tỷ lệ trẻ biết bơi ở nước ta rất thấp, thiếu bể bơi cho trẻ ở tất cả các vùng, kể cả ở Hà Nội, đội ngũ giáo viên cũng rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phổ cập bơi cho các em nhỏ.

Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ

 Tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Vì thế, một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ.

Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ. Phụ huynh cần trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao cảnh giác; Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó tai nạn đuối nước; Hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh dịp Hè 2022, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh.

Bộ cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; Tăng cường rà soát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời; Tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho các em trong dịp hè. Tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ Hè…

Đồng thời, các tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh; Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống đuối nước tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh.

Ngoài ra, về phía gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối...); Xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở… Để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước, trẻ cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nang-cao-ky-nang-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-trong-dip-he-195507.html