Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai
Trong những năm gần đây, các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và toàn xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Vận động Nhân dân, nhất là ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Người dân sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng sơ tán đến nơi ở tạm để tránh mưa bão lớn
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống thiên tai trước mỗi đợt mưa bão mà công tác tuyên truyền cũng được triển khai thường xuyên, kịp thời; Liên tục đổi mới hình thức đa dạng, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, từng vùng và gắn kết với việc triển khai tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.
Đồng thời, tuyên truyền trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình từ cấp thành phố, cấp tỉnh đến cấp huyện, hệ thống đài truyền thanh cấp xã; Thông tin trên các bảng tin, nơi tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Các tài liệu tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đặt tại các tủ sách pháp luật của quận, huyện xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã.
Ngoài ra, các địa phương cũng xây dựng nội dung thông tin, in ấn tờ rơi, tờ gấp cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình; Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động; Tuyên truyền, vận động thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
Bên cạnh đó, truyền thông thông qua các hội nghị, hội thảo, cuộc thi, tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai, tập huấn chuyên đề về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nội dung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, các địa phương tập trung tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, đổi mới tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
Các đơn vị cũng bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân về xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới và Việt Nam; Những tác động của thiên tại, biến đổi khí hậu tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
Người dân sẵn sàng phối hợp di dời, sơ tán, bảo vệ tài sản và tính mạng
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, bài học quan trọng nhất trong phòng chống thiên tai là sự chủ động của người dân. Nếu được xây dựng được các cộng đồng an toàn mà trong cộng đồng an toàn đó, mỗi người dân ý thức được thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại.
Lấy ví dụ trong công tác phòng chống thiên tai cơn bão số 4 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Chúng tôi đi kiểm tra thấy từng người dân một đều biết nguy cơ của cơn bão này. Sự chỉ đạo của các địa phương đến được từng người dân. Chính sự chủ động của người dân là nguyên nhân rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra".
Là địa phương thường xuyên phải ứng phó với những cơn mưa bão, điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt, Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được mạng lưới tuyên truyền viên của toàn lực lượng vũ trang Hà Tĩnh tập trung thực hiện sâu rộng bằng hình thức tuyên truyền miệng.
Đặc biệt, trong những ngày ảnh hưởng bão số 4 vừa qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền miệng.
Những người lính đã xuống tận từng nơi thấp trũng, đến từng vị trí có nguy cơ sạt lở cao để cùng các lực lượng khác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ Nhân dân sơ tán, giúp giảm thiểu thiệt hại về mọi mặt.
Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh chú trọng việc tuyên truyền miệng về phòng chống thiên tai đối với người dân (Ảnh: Tiến Phúc - Xuân Liệu)
Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Sơn cho biết: “Với tinh thần mỗi cán bộ, đảng viên là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng nên trong đợt mưa lũ vừa rồi, chúng tôi không cần loa máy, không hội trường, không cần tập hợp đông người, không thủ tục rườm rà... mà vẫn phát huy tối đa hiệu quả.
Các cán bộ chiến sĩ đã “Đến từng nhà, rà từng hộ, giúp từng người” để tuyên truyền, thuyết phục, hỗ trợ bà con di dời tránh mưa lũ. Chỉ trong hai ngày (28 - 29/9), chúng tôi đã phối hợp vận động 31 hộ ở các xã Sơn Kim 1, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Tiến, An Hòa Thịnh... di dời khỏi vùng thiên tai nguy hiểm”.
Qua đó, người dân cũng bày tỏ sự tin tưởng vào công tác dự báo thời tiết và sự chuẩn bị của chính quyền địa phương để chủ động rời khỏi nhà đến nơi ở tạm trong trường hợp nước lũ tiếp tục dâng cao.
Phương Thu - TTTĐ