Lực lượng chức năng bắt giữ tàu hút cát trái phép ở lòng sông Hồng tại địa phận xã Phú Châu (huyện Ba Vì). Ảnh: Lê An
Điểm "nóng" khu vực giáp ranh
Trên sông Hồng, đoạn qua địa phận thôn Vân Đình, xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) thời gian gần đây xuất hiện một số tàu cuốc, tàu hút khai thác cát, sỏi trái phép. Bà Lê Thị Ưng, thôn Vân Đình bức xúc: “Có ngày tàu hút cát hoạt động từ 18-19h tối đến sáng sớm hôm sau. Việc khai thác cát trái phép đã làm sạt lở kè Cẩm Đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân”. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình Hồ Quốc Khánh cho biết, xã cũng đã có văn bản gửi UBND cấp huyện, đề nghị xử lý nghiêm vi phạm, tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng, các tàu hút cát lại di chuyển khỏi khu vực…
Cũng trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Ba Vì, các đối tượng lợi dụng những khu vực xa khu dân cư để khai thác cát, sỏi; nhất là khu vực giáp ranh giữa xã Tản Hồng với phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), hai xã Châu Sơn và Phú Châu với xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)… Một điểm “nóng” nữa là trên sông Cà Lồ, đoạn qua xã Phù Lỗ và xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) lần lượt tiếp giáp với xã Xuân Nộn và xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), các đối tượng chủ yếu lợi dụng đêm khuya để hoạt động.
Nói về thực trạng này, Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trên tuyến sông Hồng qua địa phận quận Bắc Từ Liêm, các huyện Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên; tuyến sông Cầu qua huyện Sóc Sơn… vẫn xuất hiện tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh… Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên chủ yếu do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng lớn, nguồn lợi thu được từ việc khai thác cát, sỏi trái phép nhiều... Trong khi đó, một số chính quyền sở tại thiếu kiên quyết, khi người dân bức xúc phản ánh nhiều lần, vi phạm mới được xử lý. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là lực lượng chức năng cấp huyện chưa có phương tiện hoạt động trên sông (ca nô, tàu), nên hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.
Tàu khai thác cát trái phép hoạt động trên sông Hồng, khu vực giáp ranh xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) với xã Đại Tự, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Công
Tăng cường xử lý vi phạm
Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, góp phần ngăn chặn sạt lở đê, kè, bờ sông do ảnh hưởng của việc khai thác cát, sỏi trái phép, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là cát xây dựng; giám sát chặt chẽ hoạt động cấp phép, khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông… UBND thành phố cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang… nhằm phối hợp, ngăn chặn khai thác trái phép.
Tập trung triển khai các biện pháp xử lý vi phạm, đặc biệt là tại vùng giáp ranh, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm... chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời kiểm tra những đối tượng, phương tiện neo đậu (có gắn thiết bị, công cụ khai thác cát, sỏi) nhằm phòng ngừa khai thác cát, sỏi trái phép… Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và một số quận, huyện bắt giữ hơn 10 vụ khai thác cát, sỏi trái phép, xử phạt hàng trăm triệu đồng. Mới đây, tối 27-4, Tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã bắt quả tang 2 vụ khai thác cát trái phép lòng sông Hồng tại địa bàn xã Hải Bối (huyện Đông Anh), tạm giữ 3 phương tiện tàu khai thác và chứa cát. Ngày 4-5, Phòng Cảnh sát giao thông đã hoàn thiện hồ sơ, xử phạt các đối tượng vi phạm với số tiền 140 triệu đồng.
Ngăn chặn việc phát sinh điểm "nóng" khai thác cát, sỏi trái phép, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã ven sông Hồng, Cà Lồ, Đuống, nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát. Còn Thượng tá Nguyễn Văn Ngân, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho rằng: Để giải quyết vấn đề này, UBND cấp xã cần xử lý dứt điểm hoạt động của các điểm tập kết vật liệu xây dựng trái phép ven sông, nhằm ngăn chặn việc tập kết cát, sỏi từ hoạt động khai thác trái phép...
So với những năm trước đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm "nóng" tồn tại đã lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Do đó, để đẩy lùi tình trạng vi phạm cần có sự chủ động, tích cực phối hợp giữa các bên liên quan, nhất là chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh.
Ngày 24-2-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, có hiệu lực từ ngày 10-4-2020. Theo đó, Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản; nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở... Việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2020/NĐ-CP cũng là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. |