Những sự cố đáng tiếc
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc về người do cháy, nổ, điện giật trong lúc mưa bão. Điển hình, ngày 3/7, một vụ tử vong tại cánh đồng trồng ớt ở thôn Đặng Xá (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) do người dân đấu điện bẫy chuột, điện bị hở trong lúc có mưa.
Gần đây nhất, trong khi mưa lớn, xảy ra một đám cháy nhà xưởng sản xuất tại huyện Thanh Trì, mà nguyên nhân ban đầu xác định là do chập điện…
Sự cố chập điện, hỏa hoạn không chỉ thiệt hại về người, tài sản mà còn để lại những hậu quả nặng nề. Trong khi đó, ở một số huyện khu vực ngoại thành vẫn còn hiện tượng thanh, thiếu niên trèo cột điện để bắt chim, gỡ dây diều bị mắc, hoặc bẫy chuột, đánh cá bằng xung điện lúc trời có mưa.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện an toàn cho người dân huyện Mỹ Đức.
Thực tế, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, hầu hết các nhà ở hộ gia đình trên địa bàn Thủ đô hiện không có hệ thống thu lôi chống sét. Nếu hộ gia đình đã lắp đặt thu lôi thì lại không lưu ý đến kết nối đất an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Do vậy, khi xảy ra sét đánh, nguy cơ cháy, nổ, rò rỉ điện là rất cao, dễ xảy ra cháy, nổ.
Bà Đặng Mỹ Ánh, nhân viên Công ty Điện lực quận Đống Đa cho biết, thực tế, ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn chưa cao. Hiện nay, các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng điện mới chỉ lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng. Còn bên trong hộ tiêu thụ điện, hoàn toàn do người dân xử lý.
Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) có tới 80% vụ cháy, nổ trong mùa mưa bão đều xuất phát từ nguyên nhân chập, đoản mạch điện. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận định, đa số người dân cho rằng, cháy nổ chỉ xảy ra trong điều kiện nắng nóng, hanh khô nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa mưa bão.
Diễn tập xử lý tình huống cháy, nổ do chập điện của đội chữa cháy cơ sở Công an quận Ba Đình.
Phòng ngừa là giải pháp tiên quyết
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, có vô số kiểu tai nạn do thiên tai, hỏa hoạn, thế nhưng không phải là không hạn chế được. Đối với các khu dân cư, hộ gia đình, từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn như kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà. Hộ nào có sử dụng các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải bảo đảm các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chập điện gây ra cháy khi có mưa, giông, gió mạnh. Ngoài ra, các hộ kinh doanh nên trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc chữa cháy.
Theo kinh nghiệm từ thực tế các vụ việc, Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vào thời điểm mưa bão, người dân không nên di chuyển ngoài đường, nếu có việc cần thiết tuyệt đối không trú mưa tại khu vực có cây cao, cây cổ thụ, dưới những tấm biển, bảng và gần khu vực có đường dây dẫn điện. Trong trường hợp phát sinh sự cố chập điện gây cháy hoặc sự cố khác xảy ra cháy, người dân phải thật bình tĩnh, đầu tiên thực hiện ngắt ngay cầu dao hệ thống điện tại chỗ, báo động cho mọi người biết có đám cháy xuất hiện và di tản người đến nơi an toàn, sau đó nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa.
Hiện trường một vụ cháy nguyên nhân nghi do chập điện
Nói về công tác phòng, chống cháy, nổ của địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, trước và trong mùa mưa bão, quận đã chủ động phối hợp với Công an thành phố tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy. Đối với các cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng quận thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tuân thủ quy định an toàn về điện. Ngoài ra, quận phối hợp với ngành Điện lực thành phố thường xuyên kiểm tra các đường dây điện tại những khu vực có nguy cơ cao để hạn chế tối đa sự vụ có thể xảy ra do chập điện trong mùa mưa bão.
Được biết, để ngăn ngừa cháy, nổ do thiết bị điện trong mùa mưa bão, cùng với triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ứng trực sẵn sàng tham gia chữa cháy, xử lý các tình huống thiên tai…, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) đã khuyến cáo người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh để thông báo các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh, chính xác nhất cho lực lượng chức năng. Ứng dụng này cũng là kênh cung cấp kiến thức về kỹ năng phòng, chống cháy nổ mùa mưa bão nhanh và hiệu quả.
Hoa Thành - TTTĐ