Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?
Kinhte&Xahoi
Gần hết 1 năm mở cửa thị trường đường theo lộ trình thực hiện Atiga (Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN), mía đường Việt Nam đã phải chịu trận “tổn thương” kép vừa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa nhìn đường Thái Lan “tung hoành” ở thị trường nội địa.
Đường Việt Nam đang chịu sức ép cực lớn từ đường nhập khẩu. (Ảnh minh họa)
Liên tục gặp khó khăn
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của ngành mía đường Việt Nam hàng năm từ 1-1,3 triệu tấn đường, đứng thứ 6 trong khu vực châu Á và ASEAN sau các nước: Trung Quốc (10 triệu tấn), Thái Lan (8-9 triệu tấn), Australia (4 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) và Philippines (2 triệu tấn).
Trong khi đó, nhu cầu đường tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến các sản phẩm khác của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm. Như vậy, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt nguồn cung cần nhập khẩu (NK) khoảng 700.000 đến 1 triệu tấn đường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, theo các số liệu tạm tính, trước khi tham gia Atiga, Việt Nam có 41 nhà máy, sản xuất bình quân 140.000 tấn mía/ngày. Sau khi Atiga có hiệu lực, đến tháng 9/2020 hiện chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy buộc phải đóng cửa do chi phí sản xuất và giá thành quá cao so với đường NK.
Trong 30 nhà máy đang hoạt động cũng chỉ có 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà máy đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Do đó, nhiều dự báo cho thấy ngành mía đường trong nước chỉ sản xuất được khoảng 700.000 tấn, gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong nước lớn nhất trong giai đoạn từ 2009 đến nay.
Niên vụ 2019-2020 là năm thứ tư liên tiếp ngành mía đường của Việt Nam gặp khó. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30-60%. Giá đường giảm đã kéo theo giá mua mía của các nhà máy đường giảm sâu.
Thậm chí nhiều địa phương giá thành sản xuất mía khoảng 800 đồng/kg nhưng nhà máy chỉ mua với giá 700 - 750 đồng/kg. “Khi người nông dân không có lãi họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà máy do thiếu nguyên liệu đầu vào” - ông Thịnh nói.
Hiện diện tích trồng mía ở nhiều địa phương giảm đáng kể. Tây Ninh được xem là vùng nguyên liệu mía đường với diện tích trên 40.000 ha, nhưng diện tích mía hiện nay chỉ còn khoảng 14.000 ha. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, số liệu niên vụ trước cho thấy, diện tích mía của Việt Nam chưa tới 200.000ha, còn vụ 2019 - 2020 này diện tích sẽ xuống thấp hơn, thậm chí dự kiến chỉ còn hơn 150.000ha.
Chuyên gia Thịnh nhận định, trong bối cảnh ngành mía, đường trong nước đang đối diện với nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết, do đường NK tràn lan khó kiểm soát, lại thêm tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19... khiến việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ của ngành mía, đường gặp nhiều khó khăn.
Đã chuẩn bị nhưng… không ăn thua!
Ông Thịnh cho biết, từ năm 2009, để chuẩn bị hội nhập ATIGA, ngành mía đường đã đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế. Ngoài ra tâm thế chuẩn bị đối mặt với lượng đường NK ồ ạt từ Thái Lan vào nội địa cũng đã có nhưng hầu như ngành đường trong nước hoàn toàn chịu trận trước đường NK.
Đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng cho biết, trước những cơ hội và thách thức Atiga mang lại, Công ty này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đường Công ty trên thị trường như đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng nâng công suất ép; Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía, áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía nhằm tăng năng suất, sản lượng mía; Đầu tư dây chuyền sản xuất Đường tinh luyện RE nhưng cũng không thể “đấu lại” với đường Thái Lan.
Số liệu cho thấy, đến hết tháng 8/2020, lượng đường mía NK vào Việt Nam gia tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng lượng đường mía NK từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỉ lệ chủ yếu, ước gần 860.000 tấn.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân khiến cho đường Thái Lan nhập vào Việt Nam tăng mạnh chủ yếu là do ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường NK từ Thái Lan.
Theo số liệu xuất khẩu đường được công bố chính thức của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan (Office of Cane and Sugar Board - OCSB), giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện của Thái Lan sang Việt Nam chỉ là 327,7 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu này thậm chí thấp hơn cả chi phí mía trong đường bởi theo công bố, chi phí mía/tấn đường của Thái Lan gần 411 USD. Theo ông Thịnh, với mức giá xuất khẩu này của đường Thái Lan, không có cửa cạnh tranh cho đường Việt Nam.
Nhật Thu - Pháp luật Plus