Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh VietQ
Theo đó, sáng và chiều nay, các Đại biểu quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ 15h30, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất để Quốc hội xem xét gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường được kỳ vọng là các giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, hấp thụ tối đa nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất và phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội, tổng quy mô hỗ trợ đến hơn 350.000 tỷ, nhưng thực tế phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế. Phần tiền mặt tức nguồn lực mới chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ đồng. Với khoản tiền không quá lớn này trong 2 năm, bên cạnh việc đầu tư phục hồi những lĩnh vực bị tác động của đại dịch như: du lịch, vận tải, logistic, nhà ở công nhân…thì cần hạn chế nguồn tiền đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết ở thời điểm này.
Tại phiên thảo luận tổ sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí cho rằng, bối cảnh đặc biệt hiện nay, khi chúng ta đang phải thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, những vướng mắc về chính sách, pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, giải ngân được các gói kích thích kinh tế... Tuy nhiên, các ĐBQH cũng nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sửa đổi đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ giữa các luật và trong nội tại từng luật.
Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết; thẩm quyền ban hành Nghị quyết, về tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ trình; phạm vi chính sách trong dự thảo Nghị quyết; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, quy hoạch; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An- Cần Thơ; khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành Nghị quyết…
Quang Vũ - Pháp luật Plus