Ngày 6-9, theo đúng hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố chính thức bước vào chương trình học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức dạy học trực tuyến.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) bước vào chương trình học kỳ I năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến từ sáng 6-9.
Ghi nhận chung, các nhà trường đã tổ chức dạy học theo thời khóa biểu đã xây dựng. Hầu hết học sinh đã quen với hình thức học tập trực tuyến nên không bỡ ngỡ. Việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên vất vả nhiều hơn, nhất là trong việc xây dựng giáo án và quản lý lớp học để bảo đảm việc học tập của học sinh đạt hiệu quả. Tuy nhiên, tinh thần chung của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều cố gắng khắc phục.
Vấn đề nảy sinh trong buổi học sáng 6-9 của một số trường, một số lớp khó duy trì thông suốt việc dạy học theo đúng thời gian của một tiết học do nhiều học sinh không đăng nhập được vào lớp. Để khắc phục hiện tượng này, đối với các tiết học chưa hoàn thành, giáo viên đã chủ động chuyển thời gian học sang buổi chiều. Nhiều giáo viên cũng đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học để ứng phó với việc nhiều học sinh có thể gặp khó khăn về đường truyền hoặc thiết bị…
Về cơ bản, các nhà trường, kể cả ở các khu vực khó khăn cũng đã duy trì nghiêm túc việc thực hiện chương trình năm học theo đúng kế hoạch. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng cho biết, để bảo đảm việc tổ chức dạy học trực tuyến ổn định, thông suốt, tránh xảy ra hiện tượng nghẽn mạng, các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện tổ chức dạy học buổi sáng. Các trường tiểu học phối hợp, thống nhất khung giờ học cho học sinh tiểu học phù hợp và bảo đảm hiệu quả, tránh dồn thời gian cùng lúc dẫn đến thiếu thiết bị; đồng thời bảo đảm để phụ huynh học sinh dành thời gian hỗ trợ học sinh lớp 1, lớp 2. Tính đến 11h30 ngày 6-9, qua tổng hợp thông tin từ các trường học trên địa bàn huyện, việc tổ chức dạy học trực tuyến được thực hiện nền nếp, đúng kế hoạch. Phòng chưa ghi nhận phản ánh đặc biệt nào của các nhà trường, phụ huynh học sinh.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ái Mộ (quận Long Biên) được phụ huynh hỗ trợ làm quen với việc học trực tuyến.
Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh thông tin, 49 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã tổ chức dạy học trực tuyến đúng kế hoạch; các lớp học được duy trì thông suốt. Tuy nhiên, do là buổi học đầu tiên, có thể chưa quen với việc dậy sớm, nên có hiện tượng một số học sinh vào lớp muộn. Một số giáo viên cũng phản ánh có hiện tượng mạng kém. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh tìm hiểu, xác định nguyên nhân do đường truyền hay do thiết bị hoặc có nguyên nhân nào khác để có giải pháp khắc phục.
“Phòng đang cho các bộ phận chuyên môn tổng hợp tất cả những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến ở thời gian đầu năm học. Trong trường hợp cần thiết, Phòng sẽ họp với ban giám hiệu của tất cả nhà trường để kịp thời đưa ra phương án khắc phục, quyết tâm tổ chức dạy học hiệu quả, bảo đảm các học sinh đều duy trì được việc học”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, về cơ bản, các trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến đúng kế hoạch, bảo đảm nền nếp, hiệu quả. Về một số vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, Sở giao quyền chủ động cho các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, của gia đình học sinh và khả năng đáp ứng của học sinh để xây dựng thời khóa biểu, xác định thời gian học phù hợp, hiệu quả, tránh gây quá tải, trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2; tiếp tục rà soát để kịp thời có phương án hỗ trợ học sinh còn thiếu thiết bị học trực tuyến, không để học sinh bị gián đoạn việc học do hoàn cảnh khó khăn.
Thống Nhất - Hà Nội mới