Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường về giảm thuế môi trường với xăng dầu

05/07/2022 21:05

Kinhte&Xahoi Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức 300 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Ảnh minh họa

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 để giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 1/4/2022 đã góp phần giảm trực tiếp chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, từ đó góp phần giảm bớt sự tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng, qua đó đã góp phần kiềm chế lạm phát.

Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022 và từ đó làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung giảm 0,06 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn thì giá các mặt hàng trên vẫn tiếp tục tăng cao. Trong đó, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, CPI sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Theo tính toán trên cơ sở dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019, nếu thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách Nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 32.538 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ngay-mai-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-hop-bat-thuong-ve-giam-thue-moi-truong-voi-xang-dau-200327.html