Nghệ thuật hát Xẩm cần luồng sinh khí mới
Kinhte&Xahoi
Trong bối cảnh hội nhập, âm nhạc truyền thống như nghệ thuật hát Xẩm phải thích nghi là tất yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để các sản phẩm âm nhạc mới thuyết phục được khán giả mà vẫn tôn trọng tính nguyên bản, giữ gìn được hồn cốt của nhạc truyền thống là “bài toán” nan giải.
Nghệ thuật hát Xẩm truyền thống cần được “thổi luồng sinh khí mới”.
Nguy cơ thất truyền
Mới đây, trong Hội thảo khoa học quốc tế về “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại” được tổ chức tại Ninh Bình – một trong những quê hương lâu đời của hát Xẩm, các chuyên gia đã chỉ ra, để nghệ thuật truyền thống này có thể sống còn và tiếp tục phát triển trong điều kiện hiện nay, cần “thổi luồng sinh khí mới vào hát Xẩm”.
Theo đó, PGS.TS Từ Thị Loan phân tích, Xẩm phải có sự vận động cả về nội dung và hình thức để phù hợp hơn với thị hiếu, thẩm mỹ, nhu cầu của công chúng hiện đại, nhất là công chúng trẻ. Các sản phẩm mới vừa phải bảo đảm yếu tố bản sắc dân tộc, vừa phải phù hợp với người nghe đương đại, để hát Xẩm được lan tỏa sâu rộng hơn.
Hát Xẩm ra đời ở nước ta từ khoảng thế kỷ XIII. Không đơn thuần là một loại hình giải trí, hát Xẩm còn là một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị, cũng là món ăn tinh thần của quần chúng lao động ngày ấy. Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh chia sẻ về sự đặc biệt của nghệ thuật hát Xẩm: “Đứng trước bất cứ một vấn đề gì Xẩm đều có đầy đủ các cung bậc từ vui vẻ đến châm biếm, mỉa mai. Trước cách mạng có Xẩm dân vận, trong quá trình xóa mù chữ có Xẩm bình dân học vụ hay Xẩm tàu điện”. Quả thực, loại hình nghệ thuật này đề cập đến nhiều vấn đề cuộc sống như công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình anh em cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người và cả những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời...
Trong bối cảnh hiện tại, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng nghệ thuật hát Xẩm đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bà Phương kể ra: môi trường diễn xướng dân gian truyền thống của hát Xẩm dần bị thu hẹp; đội ngũ nghệ nhân thực hành và kế cận ngày càng thưa vắng; thị hiếu công chúng thay đổi; sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác khiến hát Xẩm đang ngày càng bị lãng quên và có nguy cơ thất truyền…
Chưa kể, về đặc điểm truyền nghề của Xẩm, dù không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về lề lối, lớp lang như trong Quan họ, hát Xoan, Đờn ca tài tử, Ca Huế… nhưng việc học thành công hát Xẩm lại không hề dễ. Ngoài năng khiếu về ca hát, Xẩm còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm nhất định về đường đời, trường đời thì người học mới thấm được ý nghĩa của từng câu chữ, ca từ, cũng như sự điêu luyện của nhịp phách, ngón đàn. Bởi thế, khá nhiều người thích hát Xẩm, nhưng để thành danh và trụ vững với nghề hát Xẩm thì còn lại rất ít.
Tóm lại, các chuyên gia nhận định, nghệ thuật hát Xẩm hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ có thể bị thất truyền. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ và đặc biệt là trách nhiệm của những nghệ nhân, cộng đồng người yêu mến hát Xẩm.
Thế hệ trẻ - mắt xích quan trọng
Để làm được những việc trên, thế hệ trẻ chính là mắt xích quan trọng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long từng nhận định “ngày càng có nhiều bạn trẻ bắt đầu yêu Xẩm, thậm chí họ còn yêu một cách cực đoan, cho rằng chỉ có Xẩm của cụ Hà Thị Cầu mới là chuẩn”. Tình yêu và niềm đam mê với môn nghệ thuật truyền thống này là “chất xúc tác” cần thiết để hát Xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống đương đại.
Thực tế cho thấy, đã từng có những nghệ sĩ dám “phá cách” hát Xẩm truyền thống để tạo ra những sản phẩm được đông đảo người nghe và giới chuyên môn đón nhận. Ví dụ như ca sĩ Hà Myo từng lựa chọn phối ngẫu các thể loại Xẩm, Rap và EDM trong hai nhạc phẩm “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm Xuân Xanh”. Trong khi những video hát Xẩm trước đó trên mạng xã hội chỉ luôn đạt lượng xem khiêm tốn thì hai ca khúc của Hà Myo đã vượt xa hơn thế. Thậm chí, nữ ca sĩ đã tổ chức một show biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh và từng được coi là “hiện tượng” với một bộ phận giới trẻ yêu nhạc, nhận được đánh giá tích cực từ các nhà chuyên môn.
Mặt khác, bản rap “Rằm tháng 7” của thí sinh Lã Thành Long (R.Tee) trong chương trình Rap Việt mùa đầu tiên cũng đã gây ấn tượng với hàng triệu khán giả. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhóm Xẩm Hà Thành cho ra mắt một số tác phẩm như “Tiêu diệt Corona” do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác, kết hợp với âm thanh bộ gõ, tiếng kèn bầu của nghệ sĩ Phạm Dũng hay bài Xẩm “Dứa dại không gai” do nghệ sĩ Khương Cường thể hiện, kết hợp với hai loại hình nghệ thuật trẻ là beatbox và nhảy hiphop.
Những tác phẩm này phần nào đã góp thêm một “món ăn tinh thần” cho người nghe nhạc. Tuy nhiên, có thể thấy những hiện tượng này vẫn còn “manh mún” trên thị trường âm nhạc trẻ Việt Nam. Khi thế hệ trẻ yêu mến hát Xẩm, lựa chọn theo đuổi, tiếp nối và phát huy nghệ thuật truyền thống này thì hát Xẩm mới có thể sống còn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu khi sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn giữa các nền văn hóa.
Tỉnh Ninh Bình đã triển khai làm hồ sơ đề nghị đưa hát Xẩm trên địa bàn tỉnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2019-2022, nhằm gìn giữ, phát triển và lan toả nghệ thuật truyền thống này sâu rộng hơn tới công chúng.
Diệu Bảo - Pháp luật Plus