Thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi
Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, vừa kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt của người dân, bằng hình thức giả danh công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền...
Theo đó, khoảng 10h ngày 1/3, Công an thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì nhận được tin báo của chị P.N.V (sinh năm 1992 ở thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) về việc bố chị là ông P.V.T (sinh năm 1970 ở thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng Công an, yêu cầu ông chuyển 11 triệu đồng... Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, cán bộ Công an thị trấn Tây Đằng cùng chị P.N.V đã khẩn trương có mặt tại nhà ông P.V.T để xác minh vụ việc.
Ông P.V.T cho biết, từ ngày 28/2, ông liên tục nhận được một cuộc gọi đến điện thoại di động của mình từ người tự giới thiệu là cán bộ công an... Người này nói ông có liên quan tới một vụ án của đường dây mua bán trái phép chất ma túy hàng tỷ đồng tại thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu ông chuẩn bị 2 triệu đồng, sau đó là 9 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắt giữ. Đến sáng 1/3, ông P.V.T chuẩn bị giấy tờ và tiền theo yêu cầu đến Quỹ Tín dụng thị trấn Tây Đằng để chuyển tiền cho đối tượng trên.
Ông P.V.T đã ngừng chuyển tiền cho đối tượng xấu khi được công an giúp đỡ
Biết được thông tin, chị P.N.V là con gái ông P.V.T nhanh chóng thông báo cho Công an thị trấn Tây Đằng nhờ hỗ trợ. Sau khi nắm tình hình, Công an thị trấn Tây Đằng đã giải thích rõ cho ông P.V.T về thủ đoạn lừa đảo này, cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gây án và nhắc nhở ông P.V.T không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Trước phương thức và thủ đoạn như trên, thời gian qua, Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với Công an các xã, thị trấn nhiều lần khuyến cáo người dân cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Người dân cần đề phòng, nâng cao cảnh giác
Trước tình trạng tội phạm lừa đảo diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp và có xu hướng tăng nhanh, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, kết hợp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và khẩn trương điều tra khám phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội…
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chiếm hơn 70% trên tổng số tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.
Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp triệt xóa đường dây sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của người dân do Phạm Thu Diệu (sinh năm 1991; ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cầm đầu.
Lợi dụng sơ hở trong giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, Diệu và đồng bọn vào mạng xã hội mua thông tin tài khoản ngân hàng, mua chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim rồi báo với bưu điện cần làm lại sim. Sau đó, các đối tượng tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi đăng nhập vào tài khoản, chuyển khoản toàn bộ tiền của chủ tài khoản đến nhiều tài khoản trung gian, mua bán tiền ảo để thực hiện việc rửa tiền, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng điều tra đối tượng phạm tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”
Thượng tá Nguyễn Thành Tín (Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Hiện nay, số người sở hữu tài khoản ngân hàng tham gia dịch vụ trực tuyến tăng nhanh. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, giao dịch số là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Song đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua internet, mạng xã hội ngày càng phổ biến, tinh vi, phức tạp.
Thời gian qua, Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp cùng ban giám hiệu các trường đại học trên địa bàn tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID định danh điện tử mức độ 2 cho hàng nghìn sinh viên, giảng viên.
Tại quận Hoàn Kiếm, Đại tá Hà Mạnh Hùng (Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm) khẳng định, đơn vị đang tiếp tục triển khai mô hình đặt biển cảnh báo tại các phòng giao dịch, chi nhánh của ngân hàng với nội dung nêu rõ thủ đoạn của tội phạm lừa đảo cưỡng đoạt tài sản. Khi người dân đến chuyển tiền, nhân viên quầy giao dịch sẽ tư vấn, yêu cầu người dân đọc kỹ các biển cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo; kịp thời liên hệ với cơ quan công an khi thấy các biểu hiện nghi vấn của khách hàng đến chuyển tiền.
Bên cạnh những biện pháp phòng ngừa, những khuyến cáo thường xuyên, Công an thành phố Hà Nội cũng xác định thủ đoạn mới của tội phạm để kịp thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Đó là đối tượng lừa đảo có xu hướng cấu kết thành ổ, nhóm tội phạm, có tổ chức thành đường dây với nhiều đối tượng tham gia tại nhiều địa phương khác nhau, thậm chí có tính chất xuyên quốc gia… Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng xấu.
Thanh Hà - TTTĐ