Người dân cần phải làm gì để đảm bảo an toàn cháy nổ trong dịp Tết

24/12/2022 10:33

Kinhte&Xahoi Lực lượng chức năng khuyến cáo khuyến cáo người dân cẩn trọng khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là...

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (công an TP Hà Nội), hiện tại, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang là thời điểm mùa hanh khô, đây cũng là khoảng thời gian thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, cùng với đó, nhu cầu sản xuất, mua bán hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các lễ hội du xuân đầu năm đang cận kề cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao.

Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ lớn và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo một số nội dung sau:

Ảnh minh họa

Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư.

Đặc biệt, là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh bố trí hàng hóa đảm bảo an toàn PCCC.

Đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy…và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…

Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy như:

Giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giải tỏa ách tắc giao thông... Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên, phải xây dựng các bến lấy nước, bể lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy ở khu dân cư...Tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư.

Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức về PCCC cho những người làm việc, phục vụ tại chỗ, khách đến thăm, có ý thức chấp hành về PCCC; ban hành nội quy về PCCC, dự phòng các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra; chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện; phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy…

Cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn; hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi, dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ; tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ thường trực trong thời điểm khách đến viếng, cúng và sau khi kết thúc công việc trong ngày.

Chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy hiện có để đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra; tổ chức cho các tăng, ni, lực lượng bảo vệ tập luyện sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn..

 Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/nguoi-dan-can-phai-lam-gi-de-dam-bao-an-toan-chay-no-trong-dip-tet-d188276.html