Người dân đánh giá cao việc lãnh đạo Thành phố rất quan tâm công tác an sinh xã hội

22/09/2021 17:24

Kinhte&Xahoi Báo cáo của UBND Thành phố cho thấy, nhân dân đánh giá cao việc lãnh đạo Thành phố rất quan tâm công tác an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sáng 22/9, tại kỳ họp thứ hai của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng đã Báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 15/9/2021), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.116 ca, trong đó 1.310 ca ngoài cộng đồng; 1.795 ca trong khu cách ly, 749 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh. Đợt dịch này cũng xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp, có chùm ca bệnh không rõ nguồn lây, có chùm ca bệnh trong khu dân cư đông đúc, chùm cac bệnh liên quan tới chợ đầu mối, chợ dân sinh, trong cơ quan/công sở, liên quan tới chuỗi cung ứng...

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân từ trên 18 tuổi

Đến nay, số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh (31 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại lần giãn cách thứ 1); số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (từ 49,15% xuống 10,6%), số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. Thành phố cơ bản vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tính đến ngày 6/9/2021, Thành phố đã kích hoạt 22.100 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19. Các cơ sở đã tiếp nhận điều trị 3.916 bệnh nhân F0, trong đó có 1.178 người đang tiếp tục điều trị. Hệ thống tư vấn sức khỏe qua Tổng đài 1022 đã đi vào hoạt động, với 1.000 bác sĩ đã đăng ký tham gia tư vấn sức khỏe. Tính từ ngày 20/8/2021 đến nay đã tiếp nhận 19.548 cuộc gọi, trong đó đã giải đáp 9.403 phản ánh, chuyển các cơ quan, quận, huyện, thị xã vào cuộc xử lý 1.646 phản ánh…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương, thần tốc xét nghiệm tầm soát diện rộng cho toàn bộ người dân một cách an toàn, hiệu quả để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch và chăm sóc, điều trị phù hợp. Kết quả tiêm chủng đến 15/9/2021, có 5.649.581 người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 (đạt 93,8%), tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%...

Báo cáo của UBND Thành phố cũng cho thấy, nhân dân đánh giá cao việc lãnh đạo Thành phố rất quan tâm công tác an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tồ chức từ thiện và các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh và đề nghị được hỗ trợ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Đáng quan tâm, trong giai đoạn giãn cách xã hội từ ngày 24/7 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ về tiền và hàng hóa với tổng số tiền 315,725 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 160,154 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 155,571 tỷ đồng và 190 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm cụ thể.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội

Các tổ chức chính trị xã hội như Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động Thành phố… cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ trong đoàn viên, hội viên của mình. Trong đó, các cấp Công đoàn Thành phố đã vận động đoàn viên ủng hộ phòng, chống dịch và quỹ vắc xin Thành phố với tổng số tiền 103,798 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hàng hóa trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch, quỹ vắc xin của Thành phố...với tổng số 62,608 tỷ đồng.

Đến nay, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.112,338 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 840,448 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 271,889 tỷ đồng). Hiện, trên 1,622 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã nhận được hỗ trợ, với kinh phí 551,187 tỷ đồng...

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân từ trên 18 tuổi chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vắc xin được phân giao của Bộ Y tế, và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin bao phủ cho toàn bộ người dân trên địa bàn Thành phố.

Cùng với việc nới lỏng giãn cách xã hội, Thành phố đang củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để mọi người dân biết, tin tưởng, ủng hộ và yên tâm, tự giác thực hiện.

Phương Thảo - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-danh-gia-cao-viec-lanh-dao-thanh-pho-rat-quan-tam-cong-tac-an-sinh-xa-hoi-130448.html