Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh việc một số địa phương ban hành văn bản khuyến cáo người dân xa quê hương không về quê ăn Tết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Sau đó văn bản được ban hành, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, về quê ăn Tết là quyền, tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng của người dân. Vì vậy, các địa phương cần xem xét lại văn bản khuyến cáo.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bà Phạm Thị Minh Hiền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Người dân mong muốn về quê trong dịp lễ, Tết là nhu cầu chính đáng. Về mặt văn hóa, dịp lễ, Tết liên quan đến đời sống văn hóa của dân tộc, nên khuyến khích người dân đi làm ăn xa về đoàn tụ sum họp bên gia đình trong dịp quan trọng.
Mặc dù, dịch COVID-19 ảnh hưởng ít nhiều nhưng chúng ta đã thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định về việc linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh, nên phải linh hoạt trong pòng dịch. Khuyến khích người dân không về quê để đảm bảo lý do phòng, chống dịch là không thuyết phục, ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của họ”.
Theo chia sẻ, bà Hiền từng tham gia điều phối kế hoạch đưa công dân về tránh dịch trong đợt cao điểm vừa rồi, nhiều người bày tỏ với bà mong muốn được quay về quê; Có người còn trụ lại kiếm thêm tiền để về quê đón Tết cùng gia đình, người thân.
Sau một năm lao động vất vả, quay về với gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng, thậm chí khuyến khích, duy trì nhưng chỉ vì dịch bệnh hay lý do nào đó mà người dân bị hạn chế.
“Việc người dân không thể quay về với gia đình là sự thiệt thòi rất lớn. Vì vậy, các địa phương nên khuyến khích họ về, thậm chí nếu người dân khó khăn thì hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ về quê ăn Tết là sự nhân văn, đẹp đẽ” – bà Phạm Thị Minh Hiền nhận định.
Về quê ăn Tết là quyền, tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng của người dân.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, về quê ăn Tết là tập trung, tùy điều kiện hoàn cảnh để mỗi người quyết định là về hay không và khi người dân có nguyện vọng thì phải tạo điều kiện.
Có thể thấy rằng, người dân về quê ăn Tết thì tạo điều kiện hết mức để họ cảm thấy thoải mái, thực hiện 5K, các biện pháp phòng chống dịch, chính sách hợp lý, thích ứng linh hoạt… thì không có gì khó khăn để cản trở dân về với gia đình trong dịp tết.
Tránh “ngăn sông cấm chợ”:
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, khi không "zero COVID", lượng vaccine được tiêm nhiều,Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì chấp nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhiều.
Khi chúng ta "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" thì có 3 vấn đề cần chú ý, đó là: Hiện nay không thực hiện giãn cách diện rộng; Chấp nhận có F0 cộng đồng, kiểm soát rủi ro vì đã "phủ vaccine" và nước ta đã trải qua 4 đợt dịch nên đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Các tỉnh/TP và địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh "ngăn sông cấm chợ". Ngoài ra, một số địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết cổ truyền sẽ tạo ra tiền lệ không hay.
Thực tế, thời gian qua Chính phủ, Bộ Y tế đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Về việc này, TS. Trần Đắc Phu nhận định: "Việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể.
Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn".Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mỗi ngày cao, vì thế PGS.TS Trần Đắc Phu đưa khuyến cáo: Người dân về quê ăn Tết không nên lơ là, chủ quan mà cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus